T

Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 7 - Đề số 4 có lời giải chi tiết

Câu hỏi: I. Phần đọc hiểu
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:
Nhìn bàn tay mảnh mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt, không hiểu sao tôi thấy ân hận quá. Lâu nay, mải vui chơi bè bạn, chẳng lúc nào tôi chú ý đến em…Từ đấy, chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa nói chuyện.
Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời, đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.
(Ngữ văn 7, tập 1, SGK trang 21)
1. Nhận biết
Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? Phương thức biểu đạt chính của tác phẩm chứa đoạn trích là gì?
2. Thông hiểu
Nêu nội dung chính của đoạn trích.
3. Thông hiểu
Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong những câu văn sau: "Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời, đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi".
II. Làm văn
Cho câu ca dao:
Bạn bè là nghĩa trước sau
Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai
Ai cũng có một người bạn để sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, trong học tập và em cũng thế. Hãy viết một bài văn biểu cảm về một người bạn mà em quý mến.
Lời giải chi tiết
Phần
Nội dung
I
1.
Phương pháp: căn cứ bài Cuộc chia tay của những con búp bê
Cách giải:
- Tác phẩm: Cuộc chia tay của những con búp bê
- Tác giả: Khánh Hoài
- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
2.
Phương pháp: căn cứ bài Cuộc chia tay của những con búp bê
Cách giải:
- Nội dung: Tình cảm yêu thương gắn bó, không muốn xa cách của hai anh em Thành và Thủy.
3.
Phương pháp: căn cứ bài Điệp ngữ, phân tích
Cách giải:
Tác dụng: Nhấn mạnh suy nghĩ đau đớn của người anh với một điều sắp xảy ra : sự chia lìa của hai anh em; đồng thời thể hiện sự mong muốn sống bên nhau mãi mãi của hai anh em Thành và Thủy.
II
Phương pháp: căn cứ các bài học về văn biểu cảm, vận dụng linh hoạt các phương thức biểu đạt.
Cách giải:
Về kỹ năng, hình thức:
- Học sinh viết đúng kiểu bài biểu cảm, biết kết hợp với tự sự, miêu tả nhằm gây hứng thú cho người đọc trong từng sự việc của câu chuyện, biết cách dẫn dắt câu chuyện mạch lạc.
- Hành văn, diễn đạt trong sáng, kết cấu bài hoàn chỉnh, chặt chẽ. Không mắc lỗi thông thường về chính tả, ngữ pháp.
Về nội dung:
1. Mở bài: Giới thiệu về người định biểu cảm (Có thể thêm vần thơ, bài thơ vào rồi giới thiệu về người đó...)
2. Thân bài:
- Cảm nhận khái quát về người bạn của mình. (Về mái tóc, thân hình, nước da, khuôn mặt/ Em đã chơi với bạn bao nhiêu năm....). Lựa chọn một vài điểm tiêu biểu nhất để cảm nhận về vẻ đẹp của bạn.
- Cảm nghĩ về tính tình, biểu cảm của bạn ấy khi tiếp xúc với em (Dễ thương, hòa đồng, gần gũi...)
- Một việc tốt mà bạn đã làm với em, với mọi người (Giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay đơn thuần là giúp em một bài toán khó nào đó....)
- Kể một kỉ niệm giữa em và bạn khi còn nhỏ, đã làm em nhớ mãi đến hôm nay. Có thể kể một câu chuyện buồn giữa em và bạn để giờ đây em phải hối hận…
3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về bạn (Em quý bạn thế nào? Em mong bạn và em sẽ mãi mãi là bạn của sao?)
 

Quảng cáo

Back
Top