Có thể thấy, chọn sai ngành nghề, sai sở thích, bối rối mình không biết mình hợp công việc này không,... không còn là vấn đề xa lạ với học sinh, sinh viên hay thậm chí là các bạn trẻ mới ra trường. Để chữa căn bệnh này, Zix sẽ chỉ ra một số bước giúp bạn thêm tự tin vào quyết định của mình.
1. Trước tiên hãy viết ra giấy những điều mà bạn đang mông lung, đang khó xử và bối rối.
Việc viết ra những suy nghĩ trong đầu mình ra giấy là một giải pháp khá hiệu quả giúp bạn nới lỏng "cục chỉ rối" trong đầu. Bạn hãy đặt bút xuống, viết hết ra tất cả những vấn đề bạn đang phải đối mặt "Ngành này có hợp với mình không ta", "Mình hướng nội mà ngành này thì cần khéo léo, năng động", "Mình thích nghệ thuật mà không biết design, edit,..", "Ngoài kia lắm người giỏi quá"..... Bạn đã viết hết những vấn đề của bạn chưa? Bạn thất nhẹ lòng hơn rồi chứ. Vậy bây giờ cùng đi giải quyết từng "sợi chỉ rối" nha.
2. Giải quyết vấn đề.
Khi đã biết hết những vấn đề của bản thân, bây giờ bạn hãy đi từng "sợi chỉ" một để gỡ nhé. Trong quá trình gỡ rối hãy liên tục đặt câu hỏi cho mình "Tại sao?" rồi tìm ra giải pháp cho nó. Ví dụ bạn nghĩ "Tại sao mình không biết có hợp với ngành này hay không?", vậy thì hãy đi tìm hiểu sâu về các ngành nghề này trên các trang báo, mạng, các anh chị đã đi làm có kinh nghiệm để mình hiểu rõ hơn về ngành đó. Hay "Mình thích cái này mà không biết làm", vậy thì bạn hãy đi học thêm về nó đi, tìm các khóa học để nâng cao trình độ bản thân,.....Đừng chỉ nêu ra vấn đề của bạn, hãy đi tìm phương hướng giải quyết cho nó thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
3. Làm trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp.
Nếu bạn vẫn còn "mông lung" thì đó là do bạn chưa thực sự hiểu về bản thân mình đấy. Hãy xác định những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Các bạn phải phân biệt giữa thế mạnh và sở thích. Đôi khi bạn đã xác định điều mình thích nhưng chưa chắc nó đã là cái mà bạn giỏi nhất. Để khám phá ra bản thân, hãy thử những bài test tính cách nghề nghiệp như MBTI, Holland Code Test,... hay sử dụng mô hình SWOT để hiểu rõ về bản thân mình, xem mình phù hợp với ngành nào nhé.
4. Tham gia các workshop định hướng, tư vấn nghề nghiệp.
Việc tham gia những buổi workshop định hướng, tư vấn sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và chính xác hơn. Bạn sẽ được làm các bài test, từ đó các chuyên gia sẽ phân tích, tư vấn, định hướng một cách chính xác hơn cho bạn. Một số buổi workshop, các bạn sẽ được nghe về những trải nghiệm, kinh nghiệm từ những người trong ngành, có cái nhìn trực quan và đúng đắn hơn về công việc. Việc lắng nghe các lời khuyên, đánh giá từ các chuyên gia, các bạn sẽ định hướng được rõ ràng hơn cho bản thân mình, dần "gỡ rối" được căn bệnh "mông lung" này đấy.
5. Tự trải nghiệm và khám phá.
Và bước quan trọng nhất là hãy tự trải nghiệm thật nhiều, dần dần các bạn sẽ tìm ra công việc nào là động lực và truyền cảm hứng cho bạn. Trăm nghe không bằng mắt thấy, những bài học bạn tự rút ra trong quá trình làm việc sẽ luôn là hành trang quý giá hơn bất kỳ lời khuyên nào. Vậy nên đừng ngần ngại đi làm thêm ngay từ khi là sinh viên, trải nghiệm thật nhiều lĩnh vực thay vì chỉ đi làm để kiếm tiền và e dè không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Điều này sẽ mất khá nhiều thời gian nhưng đó là cách chính xác nhất để bạn tìm được ngành nghề phù hợp.
Trên đó là một vài cách nho nhỏ các bạn có thể chữa được bệnh "mông lung" trong việc chọn ngành nghề. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích một phần nào để các bạn có thể tìm được con đường phù hợp với bản thân. Hãy hành động ngay và đừng để những tips trên chỉ nằm trên giấy. Chúc các bạn sẽ sớm trị được căn bệnh "mông lung" này nhé.