Trang đã được tối ưu để hiển thị nhanh cho thiết bị di động. Để xem nội dung đầy đủ hơn, vui lòng click vào đây.
T

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 - Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp) (Chi tiết)

Câu hỏi:

Câu 1

Đề 1 (trang 58, SGK Ngữ văn 7, tập 2)
Ít lâu nay, trong lớp có một số bạn lơ là học tập. Em hãy viết 1 bài văn để thuyết phục bạn: Nếu khi còn trẻ, ta không chịu khó học tập thì lớn lên chẳng làm được việc gì có ích!
Bài làm tham khảo - số 1
Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích". Bên cạnh đó còn có những câu: "Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ". Hoặc: "Bất học bất tri lí" (Không học thì không biết lí lẽ, lẽ phải).
Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.
Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lí. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành.
Trong mười hai năm ở trường THCS, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như Toán, Lý, Hoá Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ… Tuy thế, học sinh phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao.
Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.
Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lí thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, con người sẽ rút ngắn được thời gian mò mẫm, tìm hiểu thực tiễn, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc.
Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Con người ngoài cái trí còn cần có cái tâm. Học là để thấu hiểu những lẽ huyền bí của cuộc đời, của vũ trụ chứa đựng trong những công thức toán đơn giản hoặc trong những quy luật thịnh suy của một xã hội. Không hòa cái tâm của mình vào trong cuộc đời, vào vũ trụ để lắng tìm và cảm nhận thì làm sao có được những tín hiệu mách bảo cho trí tuệ con đường đi tới những lẽ huyền diệu và bí ẩn kia?. Như vậy là có biết bao kiến thức mới, nhận thức mới về cuộc đời, về thế giới mà chúng ta tìm kiếm được không chỉ bằng lí trí mà còn bằng cả tâm hồn.
Học cần có cái trí và cũng có cần có cái tâm là vì thế. Học cũng là để sáng thêm cái trí, lành thêm cái tâm và để đóng góp tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu.
Điều quan trọng là đã học thì phải học đều các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Văn, Sử là những môn học cần thiết, nếu không nói là đặc biệt quan trọng để tạo nên nhân cách. Nếu chúng ta không coi trọng các môn này thì tâm hồn sẽ khô cứng, vô cảm trước con người và cuộc đời mà dẫn đến thái độ dửng dưng trước vẻ đẹp phong phú và sự giàu có của lịch sử văn hóa dân tộc.
Sẽ không ai trách chúng ta khi chỉ thích học Tin học, Kinh tế, Ngoại ngữ… Nhưng nếu chỉ giỏi chữ số mà quên chữ viết, giỏi kĩ thuật mà kém văn hóa thì sẽ là thiệt thòi lớn cho mỗi con người.
Việc học hành quan trọng như vậy, do đó chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của việc học hành. Đúng là: "Nếu không có học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích".
Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đời người. Nhận thức lệch lạc thường dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích… dần dần những người đó sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu có ăn năn, hối hận thì cũng đã muộn màng.
Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Tri thức loài người mênh mông như biển cả ("Bể học vô bờ"). Dẫu chúng ta có miệt mài học suốt cuộc đời thì cũng chỉ là tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy: "Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau và học ở dân". Lenin cũng từng khuyên thanh niên: "Học ! Học nữa ! Học mãi !". Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi thời đại. Nếu không coi trọng việc họ thì chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đất nước trong giai đoạn mới.
Bài làm tham khảo - số 2
Việc học tập trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Đây là việc cần thực hiện khi còn trẻ và trong suốt cuộc đời sau này. Ít lâu nay, một số bạn trong lớp tôi có phần lơ là học tập. Tôi đã cố gắng thuyết phục các bạn và cũng như tự nhắc nhở mình rằng nếu khi ta còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích!
Có ai biết từ "học hành" mang nghĩa gì không? "Học hành" có nghĩa là tiếp thu kiến thức của người cô, người thầy, nhưng lí thuyết vẫn chưa đủ, chúng ta phải được thực hành để nâng cao tầm hiểu biết. Còn "học hỏi" là sao? Học hỏi là sự chuyên cần trong học tập không bất chấp khó khăn, song để kiến thức được bổ sung, ngoài việc học ở trường lớp, ta phải học tập những tấm gương hoặc đi đây đó tìm thêm kiến thức mình chưa biết trong thiên hạ vì kiến thức của nhân loại bao la, mênh mông như biển cả, còn sự hiểu biết của mỗi người chúng ta chỉ như giọt nước
Chắc các bạn cũng đã biết về Bác Hồ rồi phải không? Bác Hồ không những giỏi giang việc nước, yêu thương dân lành mà còn rất thông minh. Bác Hồ thông minh như vậy không phải là do Bác chi tiền để đi học, cũng không phải nhờ ai chỉ bảo trước, lại càng không phải là có tài năng bẩm sinh. Bác Hồ thông minh nhờ sợ chịu khó, kiên trì, nhẫn nại. Bác tự học lấy mà không cần ai giúp cả. Tiêu biểu trong thời kì mà Bác ra đi để tim đường cứu nước, trước mỗi lần dọn dẹp boong tàu, Bác luôn luôn ghi trên tay mình mười chữ cái tiếng Anh. Bác không biết thì Bác tra cứu tài liệu, học cho thuộc lòng, vượt chỉ tiêu đặt ra thì mới chịu thôi. Cứ như thế, ngày qua ngày, Bác trở nên thành đạt, thông thạo ngoại ngữ chẳng khác chi so với một người nước ngoài cả.
Chắc bạn chưa biết rằng học tập giúp người ta vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được. Một ví dụ điển hình cho chúng ta một bài học rất hay chính là thầy Nguyễn Ngọc Kí. Thầy ấy bị liệt hai tay từ nhỏ, mọi người ai cũng nghĩ rằng: "Chắc tàn đời rồi còn đâu mà học nữa" nhưng thật sự không phải như thế. Dù thầy liệt hai tay nhưng thầy vẫn còn yêu việc học tha thiết. "Thua keo này, bày keo khác" – mọi người cũng hay nói thế. Thầy viết chữ bằng tay không được, quyết không nản chí, thầy liền học cách để viết được chữ bằng chân. Nét chữ đúng là có xấu, nhưng thầy vẫn không nản ý chí học tập của mình mà vẫn kiên trì khổ luyện. Nên kết quả đạt được của thầy chính là trở thành một người thầy được mọi người quý trọng, có nét chữ thật đẹp.
Ông bà ta cũng hay có câu: "Một rương vàng không bằng một nang chữ" để nói cho con cháu hiểu rằng tiền bạc không là gì nếu thiếu một cái đầu thông minh… Quả đúng là thế: "tiền bạc, công việc có thể kết thúc một ngày nào đó, nhưng sự học vấn thì không bao giờ" – Đó là câu nói của một danh nhân nổi tiếng có ý bảo ta rằng, tiền bạc ngày qua ngày cứ mất dần, nhưng kiến thức sẽ giúp ta có việc làm nên kiến thức vẫn quý hơn ngàn lần tiền bạc: "Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc"
Để các bạn không lơ là trong việc học, tôi sẽ chủ động khuyên các bạn trong lớp không nên lơ là mà phải tập trung trong học tập hơn. Ta phải chịu khó học khi còn trẻ thì lớn lên mới làm được việc có ích, làm được việc lớn được.
Bài làm tham khảo - số 3
Trải qua gần một trăm năm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, hai mươi năm chống đế quốc Mĩ, nhân dân Việt Nam đã bỏ biết bao công sức, trí tuệ cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, và hôm nay, trên con đường hội nhập với thế giới, Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp hoá, đang trên đà phát triển. Chúng ta có quyền tự hào bởi ta là người Việt Nam, được sinh ra trên mảnh đất anh hùng, luôn tồn tại những con người kiên cường, bất khuất, đầy trí tuệ, thông minh và sáng tạo. Thế nhưng có khi nào thế hệ tuổi trẻ Việt Nam chúng ta, những người thanh niên sắp là chủ nhân tương lai của đất nước trong thời đại mới nghĩ đến những tiến bộ, những mặt còn hạn chế của chính mình, để từ đó có những kết luận đúng đắn giúp đất nước ngày càng đi lên, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Qua thực tế, ta nhận thấy vẫn còn rất nhiều bạn còn mải chơi, bỏ học coi việc học là nghĩa vụ nặng nề mà bố mẹ giao cho, chẳng nghiêm túc và tự giác trong học tập,… Đó là những con người lười nhác, chỉ hưởng không công, những người còn đang ngủ quên trên chiến thắng của dân tộc, chưa xác định được lí tưởng sống đúng đắn. Đó là những biểu hiện thật hổ thẹn với quá khứ hào hùng của cha anh, một vấn đề mà hiện nay ta cần phải quan tâm và xem xét bởi vì "nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích". Trong những năm học phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức hết sức căn bản, nhưng nếu chúng ta không chăm chỉ học hành, lơ là, chểnh mảng thì sẽ không nắm vững được kiến thức một cách có hệ thống mà còn tốn thời gian, tiền bạc và kết quả thu được cũng chẳng đáng là bao, huống chi là cả một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội mà nhân loại đã tích lũy suốt mấy ngàn năm lịch sử và những kiến thức tân tiến, hiện đại của khoa học kĩ thuật bây giờ mà nếu chúng ta không học thì sẽ trở thành những con người lạc hậu và chậm tiến. Vì thế, việc làm trước tiên của thanh niên trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là phải học tập, trang bị thật tốt cho mình vốn kiến thức, hiểu biết về thế giới, khoa học và con người… Học tập tốt không chỉ giúp ta góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh, phát triển và phồn vinh mà còn là con đường tốt nhất giúp ta đi đến một tương lai tương sáng và tốt đẹp.
"Học tập là hạt giống của kiến thức
Kiến thức là hạt giống của hạnh phúc".
Không chỉ dừng lại ở việc học, thanh niên, học sinh còn phải hoàn thiện bản thân, tu dưỡng và rèn luyện về đạo đức. Có lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải, đó là nhân nghĩa, là truyền thống cao đẹp của người Việt Nam mà chúng ta cần duy trì và phát triển và thiết thực nhất đó là sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà…, quan tâm, chia sẻ, nhường nhịn với những người xung quanh, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn, luôn có thái độ kính trọng và biết ơn với những người đã có công với đất nước…Đặc biệt, thanh niên cần tích cực rèn luyện một lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, thuốc lá, ma tuý… và những thói hư tật xấu, lối sống lai căng, thực dụng, xa rời các truyền thống văn hóa của xã hội bởi chúng có tác hại ghê gớm cho bản thân, gia đình, xã hội về tư tưởng đạo đức, sức khỏe, kinh tế, nòi giống…
"Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công."
(Hồ Chí Minh)
Mỗi người chúng ta đều có những mặt mạnh, yếu khác nhau, không ai là hoàn mĩ cả, mặt khác, xã hội luôn không ngừng phát triển, vì vậy, thanh niên phải luôn tự hoàn thiện bản thân mình, biết vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, biết phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điều hay, điều tốt của người khác. Có như thế thì bản thân, gia đình, cộng đồng sẽ ngày một phát triển tốt hơn, tiến bộ hơn.
"Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh,
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?"
(Tố Hữu)
Tóm lại, thanh niên chúng ta cần phải phấn đấu học tập, xác định mục tiêu học tập đúng đắn, coi việc học tập khoa học kĩ thuật là then chốt, trở thành những nhà khoa học trẻ tuổi tương lai, những thanh niên xung phong trong thời đại mới, có kích thích sáng tạo, tìm tòi cái mới, ứng dụng lí thuyết vào đời sống thực tế, học hỏi không ngừng, có tình yêu quê hương đất nước, nhận lãnh trách nhiệm là người chủ nhân tương lai của đất nước, là thành viên ưu tú của xã hội. Song song đó, chúng ta cần tránh xa những cạm bẫy của thói hư tật xấu, của tệ nạn xã hội, luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ phẩm cách trong sáng, bảo vệ gia đình, xã hội, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Những hành động trên là vô cùng thiết thực trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa này, những điều mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được để đất nước ngày càng phát triển và có thể sánh đôi với các cường quốc khác, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn.

Câu 2

Đề 2 (trang 58, SGK Ngữ văn 7, tập 2)
Hãy chứng minh bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Bài làm
Khắp đất nước ta, đâu đâu cũng có rừng. Những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc, Việt Bắc, Trường Sơn, miền Đông Nam Bộ… hay những khu rừng nguyên sinh Cúc Phương, Cát Tiên, Bạch Mã, Cần Giờ, U Minh… đều là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đã tồn tại từ bao đời nay. Tục ngữ có câu "Rừng vàng, biển bạc", quả là rừng đã đem lại cho con người những lợi ích lớn lao. Cho nên có thể nói, con người không thể sống thiếu rừng, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Như các bạn đã biết, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, rừng gắn bó thân thiết với con người. Núi rừng Việt Bắc đã trở thành thủ đô của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Còn núi rừng Trường Sơn với con đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đau thương và oanh liệt. Trong thực tế thì rừng là nơi cung cấp nguyên liệu làm giấy, xây dựng nhà cửa và vật dụng gia đình. Thậm chí, phút cuối của đời, con người cũng nằm trong mấy tấm gỗ của rừng… Cảnh quang đẹp đẽ của rừng cùng với không khí trong lành là cơ sở cho những tua du lịch xanh, đem lại cho ta những phút thư giãn tuyệt vời sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Không những thế, rừng còn là kho dược liệu vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Các loại cây quý hiếm có thể trị được các bệnh nan y thường có trong rừng sâu. Ngoài ra, những cánh rừng già, rừng nguyên sinh ấy còn là nơi cư trú của các loài quý như hổ, báo, hươu, nai… và cả các loài động vật , thực vật nằm trong sách đỏ cũng chọn rừng làm nơi sinh sống. Nhưng quan trọng hơn hết, rừng chính là lá phổi xanh của loài người. Quá trình quang hợp của cây xanh là một thứ rất cần thiết cho cuộc sống. Theo cách hiểu đơn giản, rừng chính là "nhà máy lọc bụi tối tân nhất". Rừng giúp điều hòa khí hậu. Rừng là lá chắn vững chắc nhất, là rào cản đầu tiên trước mọi biến động thiên tai. Rừng ngăn lũ lụt, hạn hán, chống sa mạc hóa, giữ đất giữ nước, cố định phù sa, tăng độ ẩm cho đất, giảm thiếu tiếng ồn… tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển.
Rừng bị tàn phá sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Hiện nay, diện tích rừng của nước ta ngày càng bị thu hẹp một cách đáng lo ngại, một phần bởi nạn "lâm tặc" phá rừng lấy gỗ quý, làm giàu bất chính, một phần bởi sự kém hiểu biết của người dân địa phương phá rừng lấy đất trồng trọt. Cũng cách làm thô sơ, lạc hậu như đốt rừng, làm nương rẫy, đốt ong lấy mật… nhưng chỉ sơ ý một chút là họ đã gây ra tổn hại khôn lường. Hàng ngàn héc ta rừng nguyên sinh bị cháy rụi, hàng ngàn động vật bị tiêu diệt, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ… Biết mấy trăm năm nữa mới khôi phục lại được những cánh rừng như thế ?
Khai thác rừng để phục vụ cuộc sống con người là việc làm cần thiết nhưng muốn hưởng lợi ích lâu dài thì con người phải biết bảo vệ rừng. Cùng với việc chặt cây lấy gỗ, chúng ta phải biết trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc. Khai thác lâm sản rừng phải có kế hoạch, có mức độ, nếu không, chẳng mấy chốc mà tài nguyên rừng cạn kiệt. Khi đó, thử hỏi con người lấy gì để chống đỡ với gió, với cát, với nước lũ… và lấy đâu ra "rừng vàng" cho con cháu mai sau ?
Rừng thực sự đang bị đe dọa. Sự suy vong của nhiều cánh rừng đang báo động hiểm họa với nhân loại. Vì thế, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ rừng bởi như vậy cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Tôi hi vọng màu xanh của rừng sẽ trở lại và con tim ta sẽ nghe được nhạc rừng từ những giọng chim ca.

Câu 3

Đề 3 (trang 58, SGK Ngữ văn 7, tập 2)
Dân gian ta có câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Nhưng có bạn lại bảo "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng". Em hãy viết bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.
Bài làm
Tôi thấy đó là một cách nghi hết sức chủ quan. Trong thực tế hiện nay, một số thanh niên chơi bời giao du với bọn trộm cắp, bọn xì ke ma túy và chỉ một thời gian ngắn sau đó họ cũng trở thành dân trộm cắp, họ cũng thành "tù binh" của ma túy xì ke. Một số cô gái ở quê ra thành phố thích giao lưu với những kẻ ăn chơi đàn điếm có vẻ như rất giàu sang, lắm tiền nhiều bạc thì cũng dễ trở thành gái nhảy, gái "bán hoa", một cái nghề bị gia đình và xã hội phản đối, lên án. Đọc truyện Chí Phèo của Nam Cao, tôi thấy anh Chí vốn là một nông dân rất hiền lành nhưng rồi anh bị ném vào tù; luôn tiếp xúc với bọn lưu manh trong một môi trường thù hận và kết quả là anh trở thành con quỹ dữ của làng Vũ Đại, làm hại cả những gia đình lương thiện trong làng khiến bao cơ nghiệp tan nát, bao nhiêu nước mắt và máu phải đổ xuống. Đọc báo chí ngày nay ta cũng biết có bao nhiêu thanh niên nghiện ngập đi cai nghiện đã cai thành công trở về nhưng rồi lại lân la đến chỗ bạn bè nghiện cũ thế là "ngựa quen đường cũ", lại trở về con đường hút hít.
Các bạn nói khi gần kẻ xấu nhưng quyết không học theo cái xấu của bọn chúng. Xin hỏi rằng các bạn có thật sự có được bản lĩnh vững vàng ấy chưa? Nhiều người gần bọn xấu, cũng thấy điều xấu là không nên làm nhưng rồi bị bọn họ ép buộc, đe dọa, lừa vào bẫy và cuối cùng trở thành một phần tử xấu. Còn gần "đèn" mà không trực tiếp nhận một chút ánh sáng nào ư? Đó là do các bạn hoặc do kiêu căng, tự ái, hoặc do thiếu ý thức, thiếu nghị lực nên đã không học theo cái tốt.
Tóm lại, tôi thấy câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" là hoàn toàn đúng, chỉ có mấy bạn phản bác lại nó là sai thôi.
Câu tục ngữ này đúng là một lời răn dạy hết sức đúng đắn và hay. Chúng ta cần suy nghĩ về nó để tìm một môi trường tốt đẹp mà sống và quyết xa lánh môi trường xấu.

Câu 4

Đề 4 (trang 58, SGK Ngữ văn 7, tập 2)
Hãy chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống.
Bài làm
Trong những năm gần đây, các hội nghị bàn về môi trường liên tục được tổ chức ở phạm vi khu vực và toàn cầu vì nạn ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống đã trở thành vấn đề cấp thiết, được toàn nhân loại hết sức quan tâm.
Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường. Đó là một điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Hằng ngày, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh..., chúng ta thấy thiên tai xảy ra liên tục: bão lụt, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng kéo dài xuất hiện trên khắp các châu lục Á. Âu, Phi, Mĩ... kéo theo bao thảm hoạ không thể lường trước được. Ngay ở nước ta, hằng năm cứ đến mùa mưa là nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn, hung hãn đổ về, phá vỡ đê điều, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng và cướp đi bao sinh mạng. Rồi núi lở, lũ bùn, lũ quét bất thần ập đến, gây ra cảnh tượng mất mát, đau thương... Đó là hậu quả của việc phá rừng vô tội vạ vì rừng bị phá đồng nghĩa với việc vành đai bảo vệ không còn nữa, con người sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai.
Do không có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môi trường sống nên con người đã tự gây tai hoạ cho mình. Vì nguồn lợi trước mắt, không ít kẻ phá rừng, phá biển. Chặt cây lấy gỗ, tuỳ tiện mở mang diện tích trồng trọt, canh tác; đốt nương làm rẫy, săn bắn thú quý, những việc làm đó kéo dài trong nhiều năm đã làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái. Những vụ phá rừng với quy mô lớn tiêu biểu như ở Tánh Linh, Bình Thuận, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Tây Nguyên... hay vụ cháy mấy ngàn hecta rừng nguyên sinh ở u Minh là những ví dụ điển hình.
Tục ngữ có câu: Tiền rừng, bạc biển, Rừng vàng, biển bạc... nhưng không có nghĩa rừng, biển là kho tàng vô tận. Cây chặt mãi cũng phải hết; tôm cá nào sinh sản cho kịp với kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ, bằng điện, bằng hoá chất của một số người tham lam, vô ý thức hiện nay? Nếu khai thác không đi đôi với gìn giữ, bảo vệ và phát triển thì hai nguồn tài nguyên lớn ấy sẽ dần dần cạn kiệt. Hai môi trường sống chính bị suy thoái thì cuộc sống con người cũng không thể tốt lành.
Nói gần hơn, cụ thể hơn là môi trường quanh ta. Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... ô nhiễm đã đến mức báo động. Không khí mịt mù khói xăng dầu, khói từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra. Các chất độc từ khói là một trong những nguyên nhân gây bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, thần kinh.
Khí thải, chất thải, nước thải không được xử lí kịp thời cũng là nguồn bùng phát và lây lan bệnh dịch. Có thể nói môi trường ô nhiễm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho cuộc sống và tính mạng con người nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Không ít người có thói xấu là vứt rác, đổ nước bẩn, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi... ra nơi công cộng, làm cho cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, kém văn minh. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là rất quan trọng và cần thiết, phải làm thường xuyên, liên tục.
Nông thôn trước đây thường được coi là không gian trong lành, yên tĩnh nhưng hiện tại, với tốc độ đô thị hoá phát triển nhanh chóng thì những ưu điểm không còn nguyên vẹn như xưa. Sự thiếu hiểu biết về khoa học kĩ thuật của nông dân cũng gây ra nhiều tác hại như việc lạm dụng hoá chất, thuốc trừ sâu... trong trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước sạch, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, sức sản xuất...

Câu 5

Đề 5 (trang 58, SGK Ngữ văn 7, tập 2)
Hãy trình bày nổi bật lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ.
Bài làm
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, dù ở bất kì cương vị nào, từ một người phụ bếp trên con tàu "Amiran Latouche Tre ville" lúc ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn giữ một nếp sống vô cùng giản dị. Đó cũng chính là điểm nổi bật trong phong cách, đạo đức của Người. Theo lời kể của những người từng được sống gần Bác hoặc qua những tư liệu còn lưu trữ được, chúng ta thấy việc ăn, mặc, ở cũng như sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày Bác đều hết sức tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, Bác quy định không quá 3 món và thường là các món dân tộc như: tương cà, dưa, cá kho… Bác bảo ăn món gì phải hết món ấy, không được để lãng phí. Có quả chuối hơi "nẫu", nhiều người ngại không ăn, Bác bảo lấy dao gọt phần nẫu đi để ăn. Khi đi công tác các địa phương, Bác thường bảo các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm, thức ăn từ nhà mang đi. Chỉ khi nào công tác ở đâu lâu, Bác mới chịu ăn cơm, nhưng trước khi ăn, bao giờ Bác cũng dặn "chủ nhà" là: Đoàn đi có từng này người, nếu được, chỉ ăn từng này, từng này…
Có thể dẫn ra nhiều câu chuyện về cách ăn uống chắt chiu, tiết kiệm của Bác. Thậm chí liên hoan chào mừng Ngày thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh và đĩa cá. Khi tiếp đãi khách, Bác thường nói: "Chủ yếu là thật lòng với nhau". Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc đã giúp Bác mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng mang về, Bác cũng chỉ "khao" một món canh và hai đĩa thức ăn, có thêm chén rượu gạo, tổng cộng chưa hết một đồng bạc, thế mà vẫn đậm đà tình cảm giữa chủ và khách.
Bác nói: Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên. Hơn nữa, Bác luôn nghĩ đến người khác, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình. Bác sẻ cho người này, sẻ cho người kia rồi sau cùng mới đến phần mình và phần Bác thường là ít nhất.
Trong trang phục hàng ngày, Bác chỉ có bộ quần áo dạ màu đen mặc khi đi ra nước ngoài; chiếc mũ cát Bác đội khi đi ra ngoài trời; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh và một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc mùa hè. Nói về sự giản dị trong cách ăn mặc của Bác, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến đôi dép cao su và bộ quần áo ka-ki. Đôi dép cao su được Bác dùng hơn 20 năm đến khi mòn gót phải lấy một miếng cao su khác vá vào, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ. Còn bộ quần áo ka-ki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo. Những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: "Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay".
Về chỗ ở, khi Bác mới về nước là một hang đá thuộc Pắc Pó, Cao Bằng. Sau này vì bí mật nên Bác phải ở nhà riêng nhưng rất đơn giản. Nhà làm nhỏ, bốn bề với tay được vì tiết kiệm nguyên vật liệu. Đến năm 1954, Chính phủ chuyển về thủ đô Hà Nội, nhiều người đề nghị Bác ở Phủ Toàn quyền Đông Dương tráng lệ, nhưng Bác đã từ chối và chỉ chọn căn phòng nhỏ của người thợ điện đơn sơ bên ao cá để ở. Mãi đến ngày 17-5-1958, Bác mới chuyển về ở căn nhà sàn chỉ vẻn vẹn có 23,14 m2 cho đến lúc qua đời.
Nhận xét về nếp sống giản dị của Bác, một tờ báo nước Pháp đã viết: "Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông…"
Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp. Người tiết kiệm nhưng không ki bo, kiệt xỉ, không lãng phí, phô trương. Noi gương Người, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, tu dưỡng mình theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị (khóa X). Điều này tưởng dễ nhưng lại rất khó. Dễ vì nếp sống của Bác rất bình thường, đơn giản nếu quyết tâm thì ai cũng làm được. Còn khó vì nếu không có tâm trong sáng, không có chí hướng, có lý tưởng, không có lòng yêu thương con người thực sự thì không thể làm được. Ngày nay, xã hội phát triển, mức sống đã cao hơn trước rất nhiều nên chúng ta đang dần được ăn ngon mặc đẹp. Song là cán bộ, đảng viên – "người đầy tớ" của dân, chúng ta phải biết hy sinh lợi ích, tham vọng của cá nhân mình để phấn đấu xây dựng một đất nước mạnh giàu theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Rất tiếc, câu hỏi này chưa có lời giải chi tiết. Bạn ơi, đăng nhập và giải chi tiết giúp zix.vn nhé!!!