T

Giải VBT ngữ văn 7 bài Viết bài tập làm văn số 6: Văn lập luận giải thích

Câu hỏi: Dân gian có câu: Lời nói gói vàng, đồng thời lại có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.
Lời giải chi tiết
Tìm hiểu đề và lập ý:
- Đề bài yêu cầu: Giải thích cách hiểu của dân gian về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống thông qua hai câu tục ngữ.
- Bài viết phải có các ý: giải thích kết hợp lập luận, bình luận.
Dàn ý:
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần giải thích.
- Thân bài:
+ Giải thích câu tục ngữ "Lời nói gói vàng": Lời nói của mỗi người rất đáng giá, thể hiện nhân cách, trí tuệ, cách ứng xử của mỗi người.
+ Giải thích câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua… lòng nhau": Đã nói phải nói sao cho thành lời hay ý đẹp.
+ Dân gian quan niệm về giá trị, ý nghĩa của lời nói: Hết sức quan trọng và có giá trị, khi nói phải biết lựa chọn, chắt lọc lời nói của mình.
- Kết bài: Rút ra ý nghĩa, bài học cho bản thân.
Viết một số đoạn văn:
- Đoạn mở bài:
Dân gian ta có câu "Lời nói gói vàng", lại cũng có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Hai câu tục ngữ trên đã thể hiện được quan niệm, cách hiểu của dân gian về giá trị, ý nghĩa của lời nói đối với cuộc sống con người.
- Một đoạn trong phần Thân bài diễn đạt ý:
Vàng là thứ hiện kim quý giá với con người. Dân gian ta so sánh lời nói với gói vàng nhằm đề cao, nhấn mạnh sự quan trọng, ý nghĩa của lời nói. Mỗi lời nói hàm chứa cách suy nghĩ, ứng xử, trí tuệ của người nói. Lời nói giúp ta thể hiện con người mình, là phương tiện để mọi người nhìn nhận, đánh giá về ta vì thế mỗi lời nói đề hết sức quý báu. Lời nói còn mang nhiều ý nghĩa to lớn, giúp kết nối mọi người, để sẻ chia, để giãi bày,…
- Đoạn kết bài:
Từ hai câu tục ngữ trên, ông bà xưa đã dạy cho chúng ta bài học quý giá về lời nói. Bản thân mỗi người phải điều chỉnh lời nói của mình trước khi nói ra. Khi nói, ta phải nói sao cho thành ý đẹp lời hay, nói cho có ý nghĩa. Ta phải phấn đấu, cố gắng trở thành một người mà lời nói có giá trị và có thể giúp đỡ, sẻ chia cũng mọi người xung quanh, có thể giãi bày, bày tỏ được con người mình, nỗi niềm của mình.
Bài mẫu
Con người chúng ta hơn loài động vật ở chỗ chúng ta biết dùng ngôn ngữ lời nói để giao tiếp, để bộc lộ tình cảm với đồng loại. Thế nhưng lời nói không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tốt đẹp mà nó đôi khi còn mang sức sát thương vô cùng mạnh mẽ. Vì thế mà dân gian ta mới có câu rằng "Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay "Lời nói gói vàng" để khuyên con người cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của bản thân.
Thật vậy, hai câu tục ngữ trên đã đúc kết vô cùng chính xác về giá trị cũng như tầm quan trọng của lời nói trong đời sống xã hội. Lời nói có thể đưa con người ta nên đỉnh cao của danh vọng nhưng nó cũng có thể giết chết một con người chỉ trong một tích tắc. Cả cuộc đời không biết chúng ta đã gặp bao nhiêu người, trải qua biết bao nhiêu cung bậc của cảm xúc và cách để con người ta nhớ về nhau nhiều nhất đó chính là cách ứng xử, cách nói năng. Hai câu tục ngữ trên tuy cách biểu đạt khác nhau song nó đều có chung một ý nghĩa khuyên con người nên hiểu giá trị của lời nói để biết tôn trọng và không làm mất lòng nhau.
"Lời nói gói vàng" chỉ đơn giản thế thôi nhưng nó chứa đựng một ý nghĩa lớn lao. Lời nói được ẩn dụ và so sánh quý giá như vàng vậy. Thế mới biết được rằng mỗi lời nói có giá trị lớn lao như thế nào, vì thế không nên phát ngôn quá bừa bãi và tự do. Câu nói "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" lại rất thẳng thắn. Mang hàm nghĩa khuyên răn con người nên cẩn trọng trong phát ngôn bởi lẽ nếu không cẩn thận nó có thể làm tổn thương người khác sâu sắc. Lời nói ở câu này không quý giá như vàng thậm chí "còn chẳng mất tiền mua" nhưng không phải vì thế mà bạn có thể rẻ rúng nó mà phải trau truốt lựa chọn kĩ càng khi phát ngôn đừng để nó làm mất hòa khí giữa người với người.
Ngôn ngữ, tiếng nói chính là một bước tiến hóa vô cùng vĩ đại để phân biệt giữa con người và động vật. Lời nói khiến con người trở nên có cảm xúc và tình cảm hơn. Nó làm xã hội trở nên văn minh và tốt đẹp hơn rất nhiều lần. Một lời nói thốt ra nếu mang nghĩa tích cực có thể khiến mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp, mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích, thiện cảm của người xung quanh. Nhưng nếu bạn coi thường nó rẻ rúng nó giá trị con người cũng sẽ bị suy giảm theo. Nói về tầm quan trọng của lời nói tục ngữ còn có rất nhiều câu như:
"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn ăn nói dịu dàng, dễ nghe"​
hay:
"Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói"​
Vậy thì nói thế nào cho hay cho đúng? Cách nói gây thiện cảm tốt nhất đó chính là biết kính trên nhường dưới, nói đúng ngữ cảnh và tôn trọng người nghe, không thô tục, không chợ búa. Nhiều người cho rằng cách nói tốt ở đây có nghĩa là chỉ biết nói những lời ngọt ngào để người nghe thấy vui thấy thích. Như thế lại không tốt thậm chí bạn sẽ mang tiếng là giả dối. Điều quan trọng là chúng ta nên dùng câu từ đúng thời điểm biết chỉ ra lỗi sai góp ý chân thành để người nghe sửa chữa và hoàn thiện bản thân. Bởi việc bạn quá khéo léo sẽ khiến người khác hiểu sai về con người bạn và không mang tính góp ý tích cực. Để minh chứng cho việc lời nói chính là cách để rút ngắn khoảng cách giữa người với người ta có thể nói đến Bác Hồ. Trong bài tuyên ngôn độc lập của mình tại Quảng Trường Ba Đình vào năm 1945, thay vì cách dùng từ ngữ xa lạ giữa một người đứng đầu đất nước với dân chúng Bác đã nhẹ nhàng hỏi " Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?". Lời nói của Bác tuy rất giản dị nhưng nó chứa đựng một sự quan tâm, xóa tan khoảng cách giữa vị chủ tịch nước với nhân dân cần lao, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết một lòng giữa người với người.
Trong cuộc sống hiện nay, khi mà xã hội ngày một phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cũng trở nên phong phú hơn nhờ sự giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa. Thế nhưng có một số bộ phận nhất là giới trẻ đang khiến cho tiếng Việt trở nên xấu xí hơn. Bằng chứng là các bạn chửi nhau, ăn nói thô tục với nhau.... Điều đó đã vô tình khiến cho con người trở nên xấu xí hơn và xã hội trở nên thiếu nhân văn hơn. Vì thế tốt nhất chúng ta nên cẩn trọng trong giao tiếp hàng ngày bằng cách hạn chế ăn nói thô tục, tiếng "lóng", tôn trọng sự trong sáng của tiếng Việt.
Hai câu tục ngữ trên dù có trải qua bao nhiêu năm nữa vẫn còn nguyên giá trị với thời gian. Nó trở thành một bài học sâu sắc để con người phải suy ngẫm. Hãy thay đổi cách cư xử, lời nói hành động của mình để làm cho xã hội này ngày càng tốt đẹp văn minh hơn.
 

Quảng cáo

Back
Top