T

Giải VBT ngữ văn 7 bài Từ đồng nghĩa

Câu hỏi: Giải VBT ngữ văn 7 bài Từ đồng nghĩa

Câu 1

Câu 1 (trang 90 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Tìm từ Hán Việt đồng nghĩa với các từ sau:
- Gan dạ
- Nhà thơ
- Mổ xẻ
- Của cải
- Nước ngoài
- Chó biển
- Đòi hỏi
- Năm học
- Loài người
- Thay mặt
Phương pháp giải:
Đọc lại phần Ghi nhớ về Từ đồng nghĩa (SGK, tr.114 - 115). Lưu ý: từ cần tìm phải là từ Hán Việt.
Lời giải chi tiết:
Các từ đồng nghĩa đó là:
- Gan dạ: can đảm, can trường
- Nhà thơ: thi nhân, thi sĩ
- Mổ xẻ: phẫu thuật, giải phẫu
- Của cải: tài sản
- Nước ngoài: ngoại quốc
- Chó biển: hải cẩu
- Đòi hỏi: yêu cầu, nhu cầu
- Năm học: niên khóa
- Loài người: nhân loại
- Thay mặt: đại diện

Câu 2

Câu 2 (trang 91 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Tìm từ gốc Ấn - Âu đồng nghĩa với các từ sau:
- Máy thu thanh
- Sinh tố
- Xe hơi
- Dương cầm
Phương pháp giải:
Lưu ý: từ cần tìm phải là từ gốc Ấn - Âu.
Lời giải chi tiết:
Các từ gốc Ấn – Âu tương ứng là:
- Máy thu thanh: ra-đi-ô
- Sinh tố: vi-ta-min
- Xe hơi: ô tô
- Dương cầm: pi-a-nô

Câu 3

Câu 3 (trang 91 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Tìm một số từ địa phương đồng nghĩa với từ toàn dân (phổ thông)
Phương pháp giải:
Có thể tìm từ địa phương nơi em và gia đình sinh sống hoặc ở địa phương khác mà em biết.
Lời giải chi tiết:
Một số từ địa phương đồng nghĩa với từ toàn dân:
Từ toàn dân
Từ địa phương
bao diêm
hộp quẹt
bố
cha, tía, ba
quả dứa
trái thơm
củ sắn
củ mì

Câu 4

Câu 4 (trang 91 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Từ đồng nghĩa thay thế từ in đậm:
- Món quà anh gửi, tôi đã đưa đến tận tay chị ấy rồi.
- Bố tôi đưa khách ra đến cổng rồi mới trở về.
- Cậu ấy gặp khó khăn một tí đã kêu.
- Anh đừng làm như tế người ta nói cho đấy.
- Cụ ốm nặng đã đi hôm qua rồi.
Phương pháp giải:
Trước hết, phải hiểu nghĩa của mỗi từ đã cho được dùng trong mỗi câu, từ đó tìm từ đồng nghĩa có thể thay thế. Từ thay thế phải là từ vừa đồng nghĩa vừa có sắc thái nghĩa phù hợp với nghĩa chung của câu.
Lời giải chi tiết:
a. đưa ⟹ trao
b. đưa ⟹ tiễn
c. kêu ⟹ phàn nàn
d. nói ⟹ mắng, cười
e. đi ⟹ mất, từ trần.

Câu 5

Câu 5 (trang 91 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Điền từ thích hợp
Phương pháp giải:
Những cặp từ đã cho tuy là đồng nghĩa nhưng có chỗ khác nhau về sắc thái biểu cảm, về mức độ, phạm vi... Phải phân biệt sự khác nhau của các từ trong cặp để điền từ phù hợp với nghĩa chung của câu.
Lời giải chi tiết:
a) thành tích, thành quả:
- Thế hệ mai sau sẽ hưởng được thành quả của công cuộc đổi mới hôm nay.
- Trường ta đã lập nhiều thành tích để chào mừng ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9.
b) ngoan cường, ngoan cố:
- Bọn địch ngoan cố chống cự đã bị quân ta tiêu diệt.
- Ông đã ngoan cường giữ vững khí tiết cách mạng.
c) nhiệm vụ, nghĩa vụ:
- Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi người.
- Thầy Hiệu trưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho lớp em trong đợt tuyên truyền phòng chống ma túy.
d) giữ gìn, bảo vệ.
- Em Thúy luôn luôn giữ gìn quần áo sạch sẽ.
- Bảo vệ Tổ quốc là sứ mệnh của quân đội.

Câu 6

Câu 6 (trang 92 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Câu có thể dùng hai từ đồng nghĩa thay thế nhau và câu chỉ dùng một trong hai từ đồng nghĩa đó.
Phương pháp giải:
Mỗi cặp từ đồng nghĩa đã cho có trường hợp có thể dùng cả 2 từ thay thế cho nhau, nhưng cũng có trường hợp chỉ dùng được một trong hai từ mà thôi. Sở dĩ như vậy vì một trong hai từ đó không phù hợp về sắc thái nghĩa hoặc về hoàn cảnh giao tiếp của câu.
Lời giải chi tiết:
a) đối xử, đối đãi:

- Nó đối đãi / đối xử tử tế với mọi người xung quanh nên ai cũng mến nó.
- Mọi người đều bất bình trước thái độ đối xử của nó đối với trẻ em.
b) trọng đại, to lớn:
- Cuộc Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa trọng đại / to lớn đối với vận mệnh dân tộc.
- Ông ta thân hình to lớn như hộ pháp.

Câu 7

Câu 7 (trang 93 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Đặt câu với mỗi từ: bình thường, tầm thường, kết quả, hậu quả.
Phương pháp giải:
Lưu ý: "bình thường" và "tầm thường", "kết quả" và "hậu quả" là những cặp từ đồng nghĩa, có sắc thái nghĩa khác nhau. Tìm hiểu sự khác nhau đó để đặt câu đúng.
Lời giải chi tiết:
Đặt câu:
- bình thường: Lực học môn Toán của cậu ấy ở mức bình thường.
- tầm thường: Đừng biến mình thành kẻ tầm thường vì cứ để bụng những chuyện nhỏ nhặt.
- kết quả: Kết quả của chuyến từ thiện này là những trải nghiệm bổ ích cho các em.
- hậu quả: Hậu quả của việc lười học là những con điểm kém.

Câu 8

Câu 8 (trang 93 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Chữa các từ dùng sai (in đậm) trong các câu dưới đây:
- Ông bà cha mẹ đã lao động vất vả, tạo ra thành quả để con cháu đời sau hưởng lạc.
- Trong xã hội ta, không ít người sống ích kỉ, không giúp đỡ bao che cho người khác.
- Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã giảng dạy cho chúng ta lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh.
- Phòng tranh có trình bày nhiều bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng.

Phương pháp giải:
Cần phân tích các từ in đậm trong câu sai ở chỗ nào. Tìm từ thích hợp để thay từ dùng sai.
Lời giải chi tiết:
- Thay hưởng lạc bằng hưởng thụ (hưởng lạc có nghĩa xấu).
- Thay bao che bằng che chở (bao che hàm ý xấu).
- Thay giảng dạy bằng dạy.
- Thay trình bày bằng trưng bày.
 

Quảng cáo

Back
Top