T

Giải VBT ngữ văn 7 bài Quá trình tạo lập văn bản

Câu hỏi: Giải VBT ngữ văn 7 bài Quá trình tạo lập văn bản

Câu 1

Câu 1 (trang 34 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Trong những yếu tố sau, yếu tố nào không cần có khi định hướng tạo lập văn bản?
A. Thời gian
B. Đối tượng
C. Nội dung
D. Mục đích
Phương pháp giải:
Đọc lại SGK và bài giảng về nội dung các công việc khi định hướng tạo văn bản để biết và loại bỏ yếu tố không cần thiết.
Lời giải chi tiết:
Em chọn phương án: A. Thời gian (Văn bản được nói, viết vào lúc nào?)

Câu 2

Câu 2 (trang 34 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Nhìn chung, quá trình tạo lập văn bản gồm những bước nào?
Phương pháp giải:
Đọc lại các bước tạo lập văn bản (chú ý cả nội dung và thứ tự các công việc) để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Các bước tạo lập văn bản:
- Định hướng chính xác: Văn bản viết (nói) cho ai, để làm gì, về cái gì và như thế nào?
- Tìm ý và sắp xếp ý để có một bố cục rành mạch, hợp lí, thể hiện đúng định hướng trên.
- Diễn đạt các ý đã ghi trong bố cục thành những câu, đoạn văn chính xác, trong sáng, có mạch lạc và liên kết chặt chẽ với nhau.
- Kiểm tra xem văn bản vừa tạo lập có đạt các yêu cầu đã nêu ở trên chưa và có cần sửa chữa gì không.

Câu 3

Câu 3 (trang 35 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Có một bạn khi báo cáo kinh nghiệm học tập trong Hội nghị học tốt của trường đã làm như sau:
a) Bạn chỉ toàn kể lại việc mình đã học thế nào và đạt được thành tích gì trong học tập.
b) Bạn luôn hướng về phía các thầy cô giáo, luôn nói: "Thưa các thầy cô" để mở đầu mỗi đoạn và lúc nào cũng xưng em (hoặc xưng con).
Theo em, như thế có phù hợp không, nên điều chỉnh như thế nào?
Phương pháp giải:
- Em hãy nghĩ xem:
+ Mục đích của việc báo cáo là gì? Nội dung của báo cáo đã hướng vào mục đích ấy chưa?
+ Bạn ấy báo cáo cho ai nghe? Cách mở đầu mỗi đoạn, cách xưng hô cũng như việc sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ (điệu bộ, cử chỉ) đã phù hợp với người nghe chưa?
Trên cơ sở trả lời các câu hỏi trên, em có thể giải bài tập này.
Lời giải chi tiết:
Theo em, bạn làm như vậy là: Chưa phù hợp
Bởi vì:
- Đối tượng người nghe trong Hội nghị học tốt không chỉ là các thầy, cô giáo mà còn là các bạn học sinh khác.
- Về nội dung, nếu chỉ kể lại việc mình đã học thế nào và thành tích học tập bạn đã đạt được thì chưa đạt được mục đích của bài báo cáo về kinh nghiệm học tập.
Cần điều chỉnh mấy điều sau:
- Bạn cần rút ra được những kinh nghiệm của bản thân sau quá trình học tập của mình để chia sẻ trong bài báo cáo: cách thức tự học, làm thế nào để tiếp thu hiệu quả kiến thức,...
- Khi nói, bạn cần hướng đến toàn bộ những người nghe có mặt trong Hội nghị.

Câu 4

Câu 4 (trang 35 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Trong một buổi thảo luận tổ, nhiều bạn đã đồng ý rằng: Muốn tạo lập một văn bản thì phải soạn bố cục dưới dạng một dàn bài. Nhưng các bạn còn chưa rõ:
a. Dàn bài ấy có bắt buộc phải viết thành những câu trọn vẹn, đúng ngữ pháp không? Những câu đó có nhất thiết phải liên kết chặt chẽ với nhau không?
b. Một dàn bài thường chứa đựng nhiều mục lớn nhỏ khác nhau. Vậy phải làm thế nào để có thể:
- Phân biệt được mục lớn và mục nhỏ?
- Biết được các mục ấy đã đủ chưa và đã được sắp xếp rành mạch, hợp lí chưa?
Phương pháp giải:
Dàn bài chỉ là cái khung, cái sườn của văn bản, dựa vào đấy, người viết (nói) triển khai thành văn bản chứ chưa phải là văn bản. Dàn bài được trình bày dưới dạng các đề mục lớn nhỏ thuộc nhiều lớp lang. Để thể hiện yêu cầu này, người làm dàn bài cần biết đặt tiêu đề, dùng các kí hiệu khác nhau như chữ số La Mã, Ả Rập, chữ cái a, b, c,... để phân cấp các ý.
Lời giải chi tiết:
a. Khi trình bày dàn bài, theo em, cần ghi các ý chính một cách ngắn gọn nhất, rõ ràng và đủ ý, chưa cần phải viết thành những câu trọn vẹn, vì dàn bài chưa phải là văn bản.
b. Muốn phân biệt các mục lớn nhỏ trong dàn bài và kiểm soát được sự đầy đủ, hợp lí, cần phải: đặt đề mục cho những ý đó, ví dụ: luận điểm chính sẽ kí hiệu bằng chữ số La Mã (I, II, III,...), luận cứ nhỏ hơn sẽ là các số (1, 2, 3,...), các dẫn chứng sẽ sử dụng kết hợp chữ cái và số (1a, 1b, 1c,...).

Câu 5

Câu 5 (trang 36 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Em hãy thay mặt En-ri-cô viết một bức thư cho bố nói lên nỗi ân hận vì đã trót nói lời thiếu lễ độ với mẹ kính yêu. Để viết bức thư đó, em phải thực hiện những việc gì?
Phương pháp giải:
Xem lại lí thuyết quá trình tạo lập văn bản để nắm được các bước tiến hành công việc. Đọc kĩ lại bài đọc để nắm chắc nội dung. Lưu ý khi viết thư cần thể hiện được thái độ ân hận vì đã trót nói lời thiếu lễ độ với mẹ kính yêu. Người nhận và đọc thư là bố nên em phải tỏ rõ thái độ kính trọng, tin yêu một cách chân thành.
Lời giải chi tiết:
a. Những việc em cần thực hiện:
- Xác định vai trò của người viết: Hóa thân vào En-ri-cô.
- Xác định người nhận thư: Bố của En-ri-cô.
- Lời lẽ của bức thư: lễ phép, tôn trọng, bày tỏ được sự ăn năn, hối hận và chân thành.
b. Dàn ý của bức thư định viết:
- Mở đầu thư: Nêu lí do viết bức thư với người nhận thư.
- Nội dung bức thư:
+ Xin lỗi bố về thái độ sai trái của bản thân.
+ Cảm ơn bố vì đã cho mình bài học quý giá về tình cảm gia đình.
+ Khẳng định bản thân rất biết ơn cả bố và mẹ vì đã chăm sóc và giáo dục mình.
+ Lời hứa sẽ xin lỗi mẹ vì đã khiến mẹ buồn lòng.
- Kết thức bức thư: Chào hỏi.
 

Quảng cáo

Back
Top