T

Giải VBT ngữ văn 7 bài Cổng trường mở ra

Câu hỏi: Giải VBT ngữ văn 7 bài Cổng trường mở ra

Câu 1

Câu 1 (trang 5 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Sau khi đọc, hãy tóm tắt nội dung của văn bản và trả lời câu hỏi: Bài văn biểu hiện những ý nghĩ, cảm xúc của ai, trong thời điểm nào, và về điều gì?
Phương pháp giải:
Đọc văn bản, tóm tắt nội dung bằng cách trả lời câu hỏi: Bài văn biểu hiện những ý nghĩ, cảm xúc của ai, trong thời điểm nào, và về điều gì?
Lời giải chi tiết:
- Tóm tắt: Văn bản ghi lại tâm trạng miên man của người mẹ trong đêm chuẩn bị cho con trước ngày khai trường vào lớp Một. Đứa con nhỏ thì vô tư, chỉ háo hức một chút sau đó ngủ ngon lành. Còn người mẹ trằn trọc không ngủ được, vừa nghĩ đến tâm trạng của con, vừa sống lại với tuổi thơ đến trường của bản thân, vừa nghĩ tới ngày khai trường long trọng ở Nhật Bản và tưởng tượng đến giây phút dắt tay con đến trường để con bước vào thế giới kì diệu. Đó cũng là tình cảm, niềm tin và khát vọng của người mẹ đối với tương lai của đứa con.
- Bài văn biểu hiện ý nghĩ, cảm xúc của người mẹ trong đêm trước ngày khai trường vào lớp một của con.
- Người mẹ bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về sự thay đổi, khôn lớn của con, về nỗi lo lắng của mình, về vai trò của trường học đối với mỗi con người.

Câu 2

Câu 2 (trang 5 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Những cảm xúc và ý nghĩ của người mẹ trong đêm trước ngày khai trường đầu tiên của con được thể hiện trong văn bản một cách rất tự nhiên nhưng có theo trình tự nào không? Nếu có thì hãy nêu trình tự ấy qua một dàn ý.
Phương pháp giải:
Văn bản có bố cục theo trình tự diễn biến cảm xúc và suy nghĩ của người mẹ, gồm 3 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu … đến "cũng nên đi ngủ sớm".
- Đoạn 2: tiếp theo đến "cả hàng dặm sau này".
- Đoạn 3: còn lại.
Em hãy đọc và tóm tắt nội dung từng đoạn.
Lời giải chi tiết:
- Người mẹ thấy yên lòng, tự hào và đầy yêu thương trước sự khôn lớn, trưởng thành của con.
- Người mẹ lo lắng về ngày khai trường và nhớ lại kỉ niệm ngày khai trường của mình.
- Người mẹ suy nghĩ về vai trò của trường học và giáo dục đối với mỗi người.

Câu 3

Câu 3 (trang 6 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Đêm trước ngày khai trường, tâm trạng của người mẹ và đứa con có gì khác nhau? Điều đó biểu hiện ở những chi tiết nào trong bài?
Phương pháp giải:
Đọc lại đoạn 1 và 2 để nhận ra tâm trạng khác nhau của mẹ và con cùng những chi tiết biểu hiện tâm trạng ấy. Ví dụ: Người mẹ thì thao thức không ngủ được, nghĩ về ngày khai trường đầu tiên của con, rồi nhớ về ngày đầu đến trường của mình.
Lời giải chi tiết:
Điểm khác nhau trong tâm trạng của mẹ và con đêm trước ngày khai trường:
Mẹ
Con
- Không tập trung được vào việc gì cả.
- Suốt buổi tối thao thức, bồn chồn, trằn trọc không ngủ được, nhớ lại ngày khai giảng đầu tiên của mình:
"Mẹ lên giường và trằn trọc", "mẹ không lo nhưng vẫn không ngủ được",…
- Vô tư, hồn nhiên, háo hức, không có mối quan tâm nào khác ngoài việc thức dậy cho kịp giờ:
"Giấc ngủ dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo","Gương mặt thanh thoát, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo".

Câu 4

Câu 4 (trang 6 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Theo em, tại sao người mẹ lại không ngủ được? Em cảm nhận được gì về tấm lòng của người mẹ với đứa con, qua cảm xúc và suy nghĩ trong đêm trước ngày khai trường của con?
Phương pháp giải:
Bà mẹ không ngủ được có phải vì quá lo lắng, căng thẳng, bận rộn, hay vì niềm xúc động và những suy nghĩ trước một sự việc quan trọng đối với con mình vào ngày mai, hay còn vì nhớ lại ngày khai trường đầu tiên của mình.
Lời giải chi tiết:
- Nguyên nhân người mẹ không ngủ được:
+ Mẹ bận tâm nhiều điều về con.
+ Mẹ hiểu tầm quan trọng của buổi lễ khai trường, đó là bước ngoặt lớn của đời con.
- Chi tiết chứng tỏ ngày khai trường đã để lại dấu ấn thật sâu đậm trong tâm hồn người mẹ: "Hằng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp". Mẹ nhớ như in cảm giác nôn nao, hốt hoảng khi rời cánh tay bà ngoại để vào lớp.

Câu 5

Câu 5 (trang 7 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Có phải người mẹ đang trực tiếp nới với con không? Theo em, người mẹ đang tâm sự với ai? Cách viết này có tác dụng gì?
Phương pháp giải:
Văn bản này sử dụng phương thức chính là biểu cảm. Nhân vật người mẹ trong bài tâm sự với chính mình về ngày khai trường đầu tiên của con. Em hãy suy nghĩ về tác dụng của cách biểu đạt này, xem xét từ góc độ khả năng biểu hiện tâm trạng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật người mẹ.
Lời giải chi tiết:
- Người mẹ không trực tiếp nói với con mà chỉ đang thầm thì tâm sự với chính mình.
- Cách viết này làm cho việc thể hiện nội tâm nhân vật chân thực hơn.

Câu 6

Câu 6 (trang 7 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Người mẹ nói: "Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra". Đã bảy năm bước qua cánh cổng trường, bây giờ em hiểu thế giới kì diệu đó là gì?
Phương pháp giải:
Tùy theo cảm nhận của mình mà lí giải thế giới kì diệu của trường học đối với bản thân em. Nhưng có thể suy nghĩ về các phương diện như: thế giới của sự hiểu biết đầy hấp dẫn, phong phú; thế giới của những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ của tình bạn, tình thầy trò; thế giới của những ước mơ, khao khát về tương lai.
Lời giải chi tiết:
Thế giới kì diệu của trường học chính là:
- Thế giới đầy ắp kiến thức và những điều bổ ích, mới mẻ.
- Thế giới của những tình cảm trong sáng, chân thành giữa bạn bè, thầy trò.
- Thế giới vun vén, chắp cánh cho ước mơ của những cô cậu học sinh.
- Thế giới giúp cho mỗi người học sinh hiểu rõ hơn bản thân mình và trưởng thành hơn mỗi ngày.

Câu 7

Câu 7 (trang 7 VBT Ngữ văn 7, tập 1)
Qua văn bản Cổng trường mở ra và bằng những hiểu biết của em, hãy nói về vai trò to lớn của nhà trường đối với cuộc sống của mỗi con người (soạn thành dàn ý để nói).
Phương pháp giải:
Cần chú ý những khía cạnh sau:
- Bồi đắp vốn tri thức cơ bản, phổ thông cho mỗi người để sống, học tập và lao động tốt trong suốt cuộc đời.
- Hình thành nhân cách con người về mọi mặt (từ các kĩ năng đến thói quen, từ tình cảm đến tư tưởng).
- Là môi trường tập thể, cùng với gia đình, đưa con người vào các hoạt động để cùng chung sống và phát triển các mối quan hệ giao tiếp với mọi người trong xã hội.
Lời giải chi tiết:
- Trường học là con thuyền chở ta đến với đại dương tri thức, bồi đắp cho ta nhận thức, hiểu biết, rèn luyện cho ta kĩ năng, thái độ trong học tập và làm việc.
- Trường học còn là cái nôi góp phần hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất, đạo đức của mỗi con người.
- Trường học như một xã hội thu nhỏ, ở đó, ta được trải nghiệm, được tự làm chủ cuộc sống của mình với những mối quan hệ xã hội, với những bài học trưởng thành.
 

Quảng cáo

Back
Top