T

Đề thi kì 2 môn Văn lớp 7 năm 2019 - 2020 Trường THCS Thanh Cao

Câu hỏi: Phần I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới:

Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi được cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
(Ngữ văn 7, tập 2 – NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
Câu 1. Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai? Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì?
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép liệt kê trong câu văn: “Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.”
Câu 3. Cho biết câu: “Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng để thấy” được rút gọn thành phần nào?
Câu 4. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên.
Phần II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1:
Từ nội dung phần Đọc hiểu viết đoạn văn (7-8 câu) nêu suy nghĩ về tinh thần yêu nước của nhân dân ta ngày nay.
Câu 2: Hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê – nin: “Học, học nữa, học mãi”.
……………Hết……………
Lời giải chi tiết
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
*Phương pháp
: Căn cứ vào tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
*Cách giải:
- Tác phẩm: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta
- Tác giả: Hồ Chí Minh
- Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2.
*Phương pháp
: Căn cứ vào bài “Liệt kê”
*Cách giải:
- Liệt kê: giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo; công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
- Tác dụng: nhấn mạnh sự quan tâm, cảm xúc của người viết về tinh thần yêu nước của nhân dân.
Câu 3.
*Phương pháp
: Căn cứ vào bài “Câu rút gọn”.
*Cách giải:
- Câu văn trên được rút gọn thành phần chủ ngữ.
Câu 4.
*Phương pháp
: Đọc kĩ nội dung đoạn trích.
*Cách giải:
- Nội dung: Phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc trong thực tế là nhiệm vụ quan trọng.
Phần II. LÀM VĂN
Câu 1.
*Phương pháp
:
- Sử dụng các thao tác lập luận phân tích, tổng hợp để tạo lập một đoạn văn nghị luận xã hội.
*Cách giải:
- Về kĩ năng:

+ Viết bài văn nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí.
+ Đoạn văn khoảng 7 – 8 câu, lập luận thuyết phục, không mắc lỗi diễn đạt.
- Về kiến thức:
+ Giới thiệu, đề cập vấn đề: tinh thần yêu nước của nhân dân ta ngày nay.
+ Giải thích: Tinh thần yêu nước là tình cảm thiêng liêng bắt nguồn từ tình yêu gia đình, quê hương và tinh thần sẵn sàng cống hiến, chiến đấu và xây dựng đất nước.
+ Biểu hiện của tinh thần yêu nước ngày nay:
./ Yêu tất cả những gì tốt đẹp của cuộc sống: yêu thiên nhiên, bầu trời, động vật, cỏ cây…
./ Nhân dân các tầng lớp hăng say lao động cống hiến.
./ Học sinh sinh viên tích cực ngày đêm học tập, rèn luyện trí tuệ lẫn thể chất để xây dựng một đất nước vững mạnh hơn trong tương lai.
+ Liên hệ bản thân: cố gắng rèn luyện đạo đức và trí tuệ để sau này trở thành một công dân tốt cống hiến cho đất nước.
Câu 2.
*Phương pháp
:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.
*Cách giải:
- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.
+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu nội dung:
I. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề “Học, học nữa, học mãi”.
II. Thân bài
1. Giải thích thế nào là “Học, học nữa, học mãi”

- Học: Là thúc giục con người bắt đầu học tập, lĩnh hội và tiếp thu kiến thức, tìm hiểu và chiếm lĩnh các kiến thức.
- Học nữa: “Học” đã thúc giục ta bắt đầu học, thì “học nữa” thúc giục ta tiếp tục học tập, đã học rồi nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục học nữa, học nhiều hơn nữa.
- Học mãi: Học tập là một vấn đề quan trọng, một công việc mãi mãi với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cần phải luôn học hỏi và học tập dù là bất kì ai, bất kì chức vụ cao quý nào trong xã hội.
2. Ý nghĩa của việc “Học, học nữa, học mãi”
- Học tập là một trong hình thức giúp ta tồn tại và phát triển trong xã hội
- Xã hội luôn vận động, luôn phát triển và tạo ra những kiến thức mới, những điều mới mẻ. Nếu không học tập và học hỏi thì chúng ta sẽ bị tụt hậu so với xã hội.
- Trong cuộc sống thì người tài giỏi không thiếu, nếu ta không học tập thì bạn sẽ kém hơn so với học, và sẽ trở nên vô ích hơn so với học.
3. Nên học tập ở đâu và phương pháp học
- Chúng ta nên trau dồi kiến thức ở trường lớp, bạn bè, thầy cô và xã hội,….
- Khi không còn ngồi trên ghế nhà trường ta cũng có thể học: Học trong cuộc sống, học trong sách vở, học trong công việc,….
- Học bất cứ đâu, bất cứ nơi nào bạn có thể.
4. Nêu những lối học sai lầm
- Học tủ, học vẹt,….
- Học vì lợi ích
- Học vì ép buột
III. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ về “Học, học nữa, học mãi”.
Bài tham khảo:
Lênin là nhà cách mạng kiệt xuất của nhân loại. Tên tuổi của Người gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Bên cạnh đó, đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, tên tuổi Lênin đã trở thành thân thuộc với câu châm ngôn nổi tiếng: "Học, học nữa, học mãi".
Khái niệm "học" mà Lê-nin sử dụng ở đây có thể hiểu theo những cách khác nhau, tùy theo mức độ rộng hay hẹp trong ý nghĩa.
Theo nghĩa hẹp: học là hoạt động thu nhận và tái hiện tri thức của học sinh dưới sự hướng dẫn và truyền đạt của thầy giáo trong nhà trường. Hoạt động học như thế gắn liền với một giai đoạn cụ thể trong cuộc đời: lứa tuổi thanh thiếu niên, gắn liền với một không gian xác định: nhà trường.
Theo nghĩa rộng: Hoạt động học diễn ra ở mọi nơi mọi lúc, trong suốt cuộc đời một con người. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi cuộc đời là "trường đời". đây là mái trường mở ra theo bước chân của con người trên mọi nẻo đường đời, ở mọi lứa tuổi. Theo ý nghĩa này, Gorki đã gọi cuộc đời là "trường đại học của tôi". Và đây cũng là ý nghĩa chính trong khái niệm học của Lê-nin. Bản thân cuộc đời Lênin là một minh chứng cho quan niệm này. Qua trường đời, Lê-nin thu nhận tri thức để trở thành nhà trường có kiến thức sâu rộng. Qua trường đời, Lê-nin "học làm cách mạng" rồi trở thành nhà cách mạng vĩ đại. Tri thức của nhà trường theo nghĩa hẹp dù phong phú, toàn diện đến đâu cũng có giới hạn. Tri thức của tnrờng đời mới là nguồn tri thức rộng lớn, phong phú. Trong trường đời mọi sự kiện, mọi lĩnh vực đời sống là trang sách. Mọi người quanh ta đều là thầy ta. Người ta phải học tất thảy mọi điều dù là nhỏ nhặt nhất như câu tục ngữ đã tổng kết: "Học ăn, học nói, học gói, học mở".
Với cách hiểu trên, hoại động học là rất cần thiết. Nhờ học mà xã hội loài người luôn phát triển. Thế hệ sau kế thừa những thành tựu của thế hệ trước để từ đó tạo lập nên những thành tựu mới. Lí giải về sự thành công của mình, nhà bác học Niutơn đã nói một cách hõm hỉnh: Tôi đã đứng trên vai người khổng lồ. "Người khổng lồ" ở đây lá một cách nói hình tượng về những tri thức đã được nhà bác học tiếp thu qua nhưng hoạt động học tập của mình.
Nghĩa gốc của từ "học" trong tiếng Nga mà Lênin sử dụng chỉ hoạt động diễn ra trong một quá trình kéo dài. Người lặp lại từ này ba lần chính là để nhàn mạnh tính thường xuyên, liên tục, không ngừng của hoạt động học. Có điều đó là bởi tri thức trong trường đời là vô hạn. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và luôn luôn được bổ sung, phát triển. Đây chính là lí do để chúng ta phải "học nữa, học mãi". Ngừng học tập cũng tức là chúng ta đặt mình ra khỏi vòng quay của cuộc sống đang không ngừng đổi thay, phát triển.
Nhưng "học nữa, học mãi" không có nghĩa là học tràn lan mọi lĩnh vực, học không có trọng điểm kiến thức. Bên cạnh việc học toàn diện, chúng ta còn phải biết hướng sự học vào giải quyết những mục tiêu cụ thể trong cuộc sống. Mục đích của học không phải chỉ để tiếp thu tri thức mà còn phải vận dụng tri thức đó vào thực tế cuộc sống, để đạt tới những thành tựu có ý nghĩa, để tạo ra tri thức mới. Học như thơ mới đem lại sự say mê và bổ ích. Đây là động lực để hoạt động học gắn bó với con người trong cuộc đời của mình.
Chúng ta đang sống trong một xã hội được mệnh danh là "xã hội tri thức", "xã hội thông tin": Hơn bao giờ hết, phương châm "Học, học nữa, học mãi" của Lênin thật sự trở nên thiết yếu với mỗi con người. Sự giàu có đích thực của mỗi con người, mỗi quốc gia ngày nay là sự giàu có tri thức. Chỉ có phát triển tri thức mới đưa đất nước "sánh vai các cường quốc năm châu" như mong ước của Bác Hồ vĩ đại.
Câu châm ngôn "Học, học nữa, học mãi" của Lê-nin thật giản dị nhưng lại hàm chứa một chiều sâu trí tuệ. Đất nước đang đứng trước những vận hội mới. Thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam vì thế phải khắc sâu lời nhắc nhở của Lênin và biến nó trở thành hiện thực bằng những hoạt động cụ thể của mình.
 

Đề thi học kì 2 - Văn 7

Quảng cáo

Back
Top