T

Đề thi kì 2 môn Văn lớp 7 năm 2019 - 2020 Phòng GD & ĐT Phú Giáo

Câu hỏi: I. PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN (2.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống. Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ. Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao!
(Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 2)
Câu 1: Đoạn văn được trích từ văn bản nào?
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn.
Câu 3: Em hiểu nội dung chính của đoạn trích trên như thế nào?
Câu 4: Qua nội dung đoạn văn, em học tập được điều gì từ đức tính của Bác?
II. PHẦN TIẾNG VIỆT
Cho đoạn thơ:
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
(Theo Tố Hữu, Trích Người con gái Việt Nam)
Câu 1: Chỉ và gọi tên biện pháp nghệ thuật tiêu biểu nhất có trong đoạn thơ.
Câu 2: Cho biết tác dụng của việc sử dụng biện pháp nghệ thuật vừa tìm được trong việc thể hiện nội dung đoạn thơ.
III. PHẦN LÀM VĂN
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Em hãy viết bài văn giải thích ý nghĩa câu ca dao trên.
……………Hết……………
Lời giải chi tiết
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Câu 1.
*Phương pháp
: Căn cứ vào tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ.
*Cách giải:
- Văn bản: Đức tính giản dị của Bác Hồ.
Câu 2.
*Phương pháp
: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học (Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ)
*Cách giải:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
Câu 3.
*Phương pháp
: Đọc kĩ đoạn trích.
*Cách giải:
- Nội dung: sự giản dị của Bác trong lối sống sinh hoạt.
Câu 4.
*Phương pháp
: Đọc kĩ đoạn trích và rút ra bài học.
*Cách giải: Qua nội dung đoạn văn, em học tập được lối sống giản dị, tiết kiệm và hài hòa với thiên nhiên từ Bác.
II. PHẦN TIẾNG VIỆT
Câu 1.
*Phương pháp
: Căn cứ vào bài học Liệt kê.
*Cách giải:
- Biện pháp tiêu biểu: liệt kê.
- Các chi tiết liệt kê trong đoạn: Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung (liệt kê các hình thức tra tấn dã man của bọn giặc đối với các chiến sĩ của ta).
Câu 2.
*Phương pháp
: Căn cứ vào bài học Liệt kê.
*Cách giải:
- Tác dụng:

+ Làm cho câu thơ trở nên gợi hình, gợi cảm, tăng giá trị biểu đạt.
+ Nhấn mạnh sự kiên cường của đồng chí anh hùng cách mạng, dù bị bao hình thức tra tấn vẫn không sờn lòng và đầu hàng giặc.
III. PHẦN LÀM VĂN
*Phương pháp
:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng thao tác lập luận phân tích, bàn luận,…) để tạo lập văn bản nghị luận xã hội.
*Cách giải:
- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.
+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu nội dung:
1. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề: Tình thương người, lòng tương thân tương ái là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta.
- Nêu vấn đề, khái quát ý nghĩa câu ca dao: Câu ca dao: "Nhiễu điều..." đã cho chúng ta một bài học quý giá về truyền thống đạo đức này.
2. Thân bài:
a. Giải thích
- Nghĩa đen:
+ Nhiễu điều: tấm vải lụa tơ mềm, mịn, có màu đỏ
+ giá gương: Giá để gương soi
+ phủ: phủ lên, trùm lên
⇒ Nhiễu điều và giá gương nếu để riêng lẻ từng thứ một thì chỉ là những vật bình thường không liên quan đến nhau, nhưng khi đặt tấm nhiễu điều vào giá gương thì cả 2 đều nâng nhau lên, trở thành vật đẹp đẽ và sang trọng.
- "Người trong một nước phải thương nhau cùng": Đây là lời răn dạy trực tiếp của ông cha ta: phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
- Câu ca dao khuyên dạy chúng ta: Con người dù không chung huyết thống, máu mủ nhưng khi đã ở cùng trên một đất nước thì đều phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
b. Chứng minh
- Yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là phẩm chất, lối sống tốt đẹp của người dân Việt Nam từ xưa đến nay.
- Tất cả người dân Việt Nam dù khác họ khác tên, dù ở miền Bắc hay miền Nam, dân tộc Kinh hay Mường,… thì đều là con cháu Rồng Tiên, mang trong mình dòng máu Lạc Việt, phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau xây dựng đất nước.
- Nếu chúng ta biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì sẽ tạo ra được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành một dân tộc vững mạnh, không thể xâm phạm.
(Dẫn chứng: cả nước hướng về đồng bào miền Trung)
- Ngược lại, nếu sống trong một đất nước, một tập thể mà không biết đồng cảm, đùm bọc lẫn nhau thì sẽ gây mất đoàn kết, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, sai trái, và chính những lỗ hỏng đó sẽ là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng chia rẽ, chia bè kéo cánh, gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh đất nước.
c. Bài học rút ra
- Yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
- Mỗi người cần tạo cho mình lối sống cao đẹp này bằng các hạnh động cụ thể như chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, …
d. Mở rộng vấn đề
- Lên án một bộ phận người vẫn còn sống ích kỉ, vụ lợi, tư lợi, vô cảm, sống cô lập mình với xã hội. Đó đều là những "con sâu bỏ dầu nồi canh", ngăn chặn sự phát triển của đất nước.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của câu ca dao: Cho đến ngày nay, câu ca dao vẫn luôn là bài học quý giá được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
- Liên hệ bản thân: Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống, lối sống cao đẹp của dân tộc.
Bài tham khảo:
Đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng bao la về tình người. Tình nghĩa nồng thắm ấy đã in sâu vào trái tim khối óc người Việt Nam, tạo nên bản sắc dân tộc. Trên chặng đường mấy nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, nhân dân ta đã phát huy cao độ lòng yêu nước thương nòi thành truyền thống quý báu. Truyền thống ấy đã trở thành tiếng hát, lời ca mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tiêu biển là câu ca dao:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng".
"Giá gương" là một vật dụng đặt trên bàn thờ gia tiên, một biểu tượng thiêng liêng của người đã khuất. Trên giá gương có thể là một tấm ảnh, một tờ giấy đã phai màu ghi một vài nét về tiểu sử và công đức của người đang được thờ cúng. Giá gương thường được sơn son thếp vàng rất đẹp, một vẻ đẹp cổ kính trang nghiêm.
"Nhiễu điều" là một thứ hàng dệt cao cấp (vóc, nhiều, the, lụa...) màu đỏ thắm (điều). Đem nhiễu điều phủ lấy giá gương, làm cho giá gương đã đẹp, lại càng thêm đẹp, thêm trang trọng. Chữ "phủ" trong câu ca dao là nghĩa chở che, bao bọc, biểu thị một thái độ, một tấm lòng tôn kính, biết ơn... của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Hình ảnh gắn bó vừa thiêng liêng, vừa nghĩa tình.
Đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ so sánh đến khái quát, nhân dân ta đã lấy hình ảnh ''Nhiễu điều phủ lấy giá gương" để qua đó, nêu lên một bài học đạo lí có giá trị giáo dục sâu sắc: khuyên nhủ mọi người Việt Nam giữ gìn và nêu cao tình yêu thương đoàn kết dân tộc. Bài học mà câu ca dao nêu ra thật sâu sắc, thấm thía.
Tại sao "Người trong một nước phải thương nhau cùng?" - Người trong một nước cùng chung cội nguồn, nòi giống đều là con Rồng cháu tiên. Họ có chung một nền văn hoá lâu đời, chung lịch sử, chung một mẹ Việt Nam yêu quý. Dù là Kinh hay Mường, Thái hay Tày. Ba-na hay Ê-đê, v.v... nhưng vẫn là anh em xa gần, anh em trong đại gia đình Việt Nam, có mối quan hệ vật chất và tinh thần gắn bó, chung một Thủ đô Hà Nội và chung một cơ đồ Việt Nam. Huyền thọai "Trăm trứng", truyện cổ tích "Quả bầu" làm cho mỗi người chúng ta bồi hồi xúc động, biểu cảm sâu sắc lời ca "Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Tình yêu thương đoàn kết dân tộc ấp ủ trong tim ta tình làng nghĩa xóm, lòng yêu nước thương nòi thắm thiết bao la. Nó nhắc nhở ta biết chia ngọt sẻ bùi với nhau, biết yêu thương đùm bọc nhau. Nó cho ta niềm tin về sức mạnh nòi giống, về lòng tự hào dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng thù trong giặc ngoài. Cả cộng đồng người Việt Nam đoàn kết yêu thương cùng đi lên phía trước, xây dựng đất nước phồn vinh.
Tình yêu thương, đùm bọc đồng loại là đạo lí sống tốt đẹp của nhân dân ta. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Câu ca dao-sau đây mỗi lần đọc lên, là người Việt Nam ai mà chẳng bồi hồi:

"Ai về Phú Thọ cùng ta,
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mồng Mười.
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba".

Dù sống ờ miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược hoặc là Việt kiều tha hương,... tất cả đều là con em đại gia đình Việt Nam. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã từng "hạt muối cắn đôi" với anh bộ độ Cụ Hồ trong thời chống Mĩ. Tình yêu thương đoàn kết dân tộc là cơ sở của tình yêu nước. Qua đó, ta càng thấy trách nhiệm của mỗi người phải góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Dù là quá khứ hay hiện tại, trong chiến tranh hay khi đã hòa bình, dân tộc ta đều giữ lấy tấm lòng vàng bao bọc, cưu mang đồng bào. Năm 2020, khi cơn đại dịch Virus Corona hoành hành, cả dân tộc Việt Nam đã cùng nhau chung tay đóng góp công sức, của cải để chung tay chống giặc virus và giành lại chiến thắng oanh liệt. Cuộc chiến chống giặc giữa thời bình đã một lần nữa làm chấn động năm châu, đưa Việt Nam sáng chói lên những tờ báo nước ngoài về một đất nước nhỏ bé mà giàu tình người.
Trung hiếu, nhân nghĩa là nền tảng của đạo lí. Chữ hiếu là đạo làm con. Chữ trung là đạo làm người, làm dân. Trong mối quan hệ xã hội, con người phải sống tình nghĩa, thuỷ chung. Tình người, tình đồng bào là thiêng liêng cao cả "Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Tình yêu thương đoàn kết dân tộc phải được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể: nhường cơm sẻ áo, giúp thuốc men, lương thực... cho nhau khi gặp thiên tai địch họa. Đồng bào vùng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, Việt Bắc bị lũ lụt tàn phá thì đồng bào cả nước hướng về, ra sức giúp đỡ, chi viện. Họat động của các Hội Việt kiều đã thắt chặt ba, bốn triệu người Việt đang sinh sống làm ăn ờ nước ngoài gắn bó với quê hương là một biểu hiện cao đẹp nâng cao tình cảm dân tộc.
Nghĩa tình của đồng bào ta thật sâu sắc, đẹp đẽ, ca dao, dân ca có bao bài hay ngợi ca:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng "

Nhân dân ta nhân hậu, sống trọn vẹn nghĩa tình. Yêu nước, thương nòi, thương mình, thương người, tương thân tương ái,... là vẻ đẹp tâm hồn, là đạo lí của dân tộc. Câu ca dao trên đã cho thấy nguồn sức mạnh Việt Nam. Với tình thương mà tổ tiên ta đã xây đắp nên nền Văn hiến Đại Việt lâu đời. Với tình thương mà nhân dân ta ngày nay đang xoá bỏ hận thù quá khứ, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hướng vào mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh". Hạnh phúc, ấy là tình thương. Đạo lí làm người, ấy là nhân hậu, ấy là tình thương.
 

Quảng cáo

Back
Top