T

Bình luận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách

Câu hỏi:

Dàn ý

1. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề: Ca dao, tục ngữ là kho tàng quý báu mà ông cha ta để lại cho thế hệ sau. Mỗi câu ca dao, tục ngữ đều là kinh nghiệm, lời khuyên từ các thế hệ đi trước cho con cháu sau này.
- Nêu vấn đề: Trong số đó, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” là bài học quý giá về tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa người với người trong xã hội.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Nghĩa đen: Lá lành che chở, bao bọc lá rách khỏi những tác động xấu từ môi trường
- Nghĩa bóng:
+ Lá lành: Chỉ những người có cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh trong xã hội
+ Lá rách: Chỉ những người có cuộc sống thiếu thốn, khiếm khuyến về cả vật chất, tinh thần, sức khỏe…
+ đùm: bao bọc, giúp đỡ, cưu mang, chia sẻ…
⇒ Nghĩa bóng: Những người có cuộc sống đầy đủ cần biết đùm bọc, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong cuộc sống, con người phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
b. Tại sao lại phải sống đùm bọc, yêu thương lẫn nhau
- Câu tục ngữ là lời khuyên dạy của ông cha ta về lối sống yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Đây cũng là một trong những phẩm chất quý báu của người dân Việt Nam.
- Trong cuộc sống, mỗi người không sống cô lập một mình mà sống trong một tập thể, một cộng đồng, vì vậy, sự sẻ chia, đoàn kết là vô cùng cần thiết để xây dựng một xã hội tốt đẹp.
- Khi một người gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn (vật chất, tinh thần, sức khỏe) thì những người xung quanh cần có sự đồng cảm, giúp đỡ, đùm bọc để họ có thể cố gắng vượt qua hoàn cảnh, nỗi đau. Có như vậy, xã hội mới trở nên văn minh và ngày càng phát triển.
- “Cho đi là nhận lại”, nếu chúng ta biết đùm bọc, giúp đỡ những người gặp khó khăn thì không chỉ tự ta thấy thoải mái trong lòng mà còn được những người xung quanh cũng sẽ tin tưởng, quý mến, và tôn trọng. Và chắc chắn trên con đường đời, nếu không may ta gặp khó khăn thì cũng sẽ có những bàn tay đưa ra giúp đỡ ta vượt qua tất cả.
(Lấy dẫn chứng khi đồng bào miền Trung gặp bão lũ…)
- Ngược lại, nếu trước những sự khó khăn, thiếu thốn của người khác mà ta dửng dưng, vô cảm, ích kỉ thì chắc chắn sẽ bị nhận lại những “quả báo” khôn lường.
c. Làm thế nào để rèn luyện lối sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau
- Rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lối sống cao đẹp.
- Luôn sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn bằng các hành động cụ thể, nghĩa cử cao đẹp.
- Kêu gọi giúp đỡ những cảnh ngộ khó khăn ở địa phương và trên khắp mọi miền đất nước.
d. Mở rộng vấn đề
- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, chỉ biết lo cho bản thân mình, vô cảm, dửng dưng trước những khó khăn, bất hạnh của người khác.
- Phê phán những người lợi dụng tình thương của mọi người để ỷ lại, lười biếng, chỉ muốn nhận sự giúp đỡ của người khác mà không biết cố gắng vươn lên.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ: Câu tục ngữ còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, trở thành truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc ta.
- Bài học rút ra và liên hệ bản thân: Chúng ta cần phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp này.

Bài mẫu

Bài tham khảo số 1
Lao động tình thương, lẽ phải là vẻ đẹp tính cách của con người Việt Nam. Đặc biệt, tình thương là biểu hiện cao quý của đạo lí dân tộc. Kho tàng văn học dân gian có nhiều bài ca dao, tục ngữ tuyệt hay nói về tình thương người. Một trong những câu tục ngữ được cha ông nhắc nhở con cháu là câu: "Lá lành đùm lá rách”. Chúng ta cần tìm hiểu câu tục ngữ trên thế nào cho đúng?
“Lá lành, lá rách” là hai trạng thái sống tương phản của cỏ cây trong thiên nhiên. “Đùm” nghĩa là đùm bọc, bao bọc, che chở, bảo vệ. “Lá lành đùm lá rách”: Lá lành đùm bọc, bao bọc, che chở, bảo vệ cho “lá rách" để cùng tồn lại trong một cơ thể sống của cây cỏ nước nắng gió, thời gian. “Lá rách” có được “lá lành" đùm bọc, chở che thì đất trời mới có màu xanh, mới có sự sinh sôi nảy nở của thực vật. Hình ảnh bình dị, dân dã mà xúc động lòng người: sự đùm bọc của những người bình dân.
Nhân dân ta mượn cây cỏ làm ẩn dụ nói lên mối quan hệ giữa con người với con người. “Lá lành” - biểu tượng nói về những con người có cuộc đời ấm no, hạnh phúc, vui tươi, khoẻ mạnh. “Lá rách”- biểu tượng chỉ những con người bất hạnh, đói rét, ốm đau. họan nạn... Lấy biểu tượng “Lá lành đùm lá rách”, nhân dân ta nhắc nhắc nhở mọi người biết thương yêu, đùm bọc đồng loại, biết tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua họan nạn khó khăn, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc lâu dài.
Có thể nói, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” nêu lên bài học đạo lí về tình thương nhằm giáo dục mọi người.
Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách” biểu dương cho mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó trong nhân gian ta từ bao đời nay. Cùng sinh sống trong một vùng quê, một đường phố, học chung một mái trường, với tình làng nghĩa xóm, lúc tắt lửa tối đèn có nhau, ngọt bùi đắng cay cùng chia sẻ. Vì tình người và nghĩa đồng bào mà mọi người đều biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, biết sống đẹp “Lá lành đùm lá rách”.
Cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Khi gặp thiên tai, dịch, họa, lúc hoạn nạn... mọi người biết dựa vào nhau trên tình thương yêu. Nhờ thế mà cuộc sống đẹp đẽ hơn, đầy màu sắc ý vị hơn. Nào ai sống biệt lập, sống cô đơn, ích kỉ mà được hạnh phúc thật sự bao giờ?
Mọi người đùm bọc, che chở, thương yêu nhau... sẽ cho ta thêm sức mạnh, sống nhân đạo hơn, xã hội ngày một văn minh, tốt đẹp hơn. Mọi người trong cộng đồng phải biết tương thân tương ái để mưu cầu hạnh phúc và làm sáng đẹp đạo lí của dân tộc “Thương người như thể thương thân”. Bài học mà câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách " luôn luôn mới mẻ với mọi người. Nó nhắc ta biết hướng thiện và làm việc thiện.

Tính nhân ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được hun đúc qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước tình thương là thước đo phẩm chất, nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình, ngoài xã hội.
Tình thương phải thể hiện được bằng việc làm cụ thể: săn sóc người già yếu. bệnh tật, an ủi người đau thương, giúp đỡ trẻ mồ côi, chi viện cho đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; chị ngã em nâng... lá lành đùm lá rách là như vậy. “Gia huấn ca" tương truyền là của Nguyễn Trãi có những vần thơ đầy tình người:
"Tiếng rằng ngày đói, tháng đông,
Thương người bớt miệng, bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng "...
Mấy chục năm chiến tranh, bão lụt cơ hàn triền miên... thế mà nhân dân ta vẫn vượt qua để đi tới. Phong trào giúp đỡ miền Trung bị bão lụt, quỹ giúp đỡ học sinh nghèo, trẻ mồ côi, phong trào xoá đói giảm nghèo... do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được đông đảo nhân dân ta hưởng ứng nhiệt liệt. Một ngày công, một quyển vở, một chiếc áo... gửi tặng nói lên tấm lòng thơm thảo nghĩa tình, làm cho tình yêu thương đoàn kết dân tộc thêm keo sơn, gắn bó.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết:
"Đứa ăn mày cũng trời sinh,
Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không ''.
Tình thương người được nhân lên dưới ánh sáng cách mạng:
“Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Đó không chỉ là câu thơ đẹp mà còn là tấm lòng đẹp, tình nhân ái, nghĩa đồng bào, đồng chí và là biểu hiện sâu sắc nhất: "Lá lành đùm lá rách".
Câu tục ngữ đã nêu lên một triết lí sống đẹp: người với người là bạn nên ai cũng phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Con người chi đẹp khi sống giàu tình thương. Xã hội không chỉ đẹp vì sự giàu sang vật chất mà còn vì văn minh, nhân ái. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta phấn đấu vì một mục tiêu cao cả: dân giàu nước mạnh. Đến với một ngày mai tốt đẹp ấy, mọi người Việt Nam càng cần yêu thương, giúp đỡ nhau hơn. Đời đã đẹp và tình người càng thêm đẹp.

Xem thêm các bài tham khảo khác tại đây:
Bài tham khảo số 2


Dân tộc ta lớn lên trên dải đất hình chữ S cong cong đầy nắng gió. Người Việt Nam đã từng chịu không biết bao tai trời ách nước: giặc giã, bão lụt, hoả hoạn, mất mùa, đói kém. Cứ mỗi lần cùng vượt qua mọi khó khăn, nhân dân ta lại nhắc nhở nhau cách sống thấm đượm nhân văn: Lá lành đùm lá rách
Câu tục ngữ gợi lên một bài học về đạo lý làm người, về quan hệ giữa con người với nhau. Người ta ở đời, có người, có lúc gặp phải khó khăn, thiếu thốn, hoạn nạn. Lúc ấy, nếu chỉ một mình tự xoay xở lấy thì thật khó mà vượt qua. Trong hoàn cảnh đó, sự giúp đỡ của người khác, sự chia sẻ của người khác là rất quan trọng. Sự đùm bọc lẫn nhau, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một cách sống cần thiết đầy nhân ái.
Xét về giá trị của câu tục ngữ, ta thấy có một giá trị thiết thực. Nói Lá lành đùm lá rách là nói đến thái độ nhường cơm xẻ áo giữa những người vốn cùng chung cảnh ngộ, trong cùng một cộng đồng, trên cùng một đất nước. Tuy có lành có rách nhưng cũng là lá. Đây là chia sẻ, là thông cảm. Khi mọi người bị hoạn nạn, thì những người không bị hoạn nạn cùng nhau giúp đỡ, đó là lá lành đùm lá rách.
Sự giúp đỡ của từng người có thể không nhiều, nhưng nhiều người hợp lại thì sự giúp đỡ lại trở nên rất có ý nghĩa, có thể giúp cho người hoạn nạn vượt qua khó khăn. Khi một phường, một vùng gặp hoạn nạn, thì những vùng bên cạnh cùng hợp lại, mỗi người một ít, mỗi nhà một ít, mỗi phường, mỗi huyện, mỗi tỉnh một ít, kết quả thành ra rất to lớn.
Lá lành đùm lá rách là cách sống và đạo lí đã có tự ngàn xưa của nhân dân Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà nhân dân Việt Nam đã vượt lên bao khó khăn có lúc tưởng chừng không vượt nổi để mãi mãi tồn tại vững vàng. Người ta nói: một miếng khi đói bằng gói khi no. Trong khi gặp hoạn nạn, người bị ít khó khăn còn chia sẻ cả với người nhiều khó khăn hơn. Giá trị nhân đạo sâu sắc của câu tục ngữ chính là ở đó.
Trải qua hơn ba mươi năm chiến tranh, rồi trong gần hai mươi năm xây dựng kinh tế, truyền thông lá lành đùm lá rách đã được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ. Chỉ nói riêng mấy năm gần đây, trên đất nước ta đã bao nhiêu lần thiên nhiên gây ra tai hoạ ghê gớm. Những trận bão tàn phá miền Trung, rồi lũ lụt ở đồng bằng Nam Bộ..., làm cho đồng ruộng bị tàn phá, lúa, hoa màu bị mất sạch, bao nhiêu nhà cửa, bệnh viện, trường học... bị phá huỷ. Những khi miền Trung, miền Nam gặp hoạn nạn, khó khăn, cả nước quan tâm theo dõi, kịp thời chia buồn và cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, dần dần các vùng này đã trở lại cuộc sống bình thường. Những tin tức về trận lũ vừa được loan báo, những lời kêu gọi đã được phát đi thì những hành động hưởng ứng đã đáp lại ngay. Có người góp vào quỹ cứu trợ hàng triệu đồng, cũng có bạn nhỏ tự mình mang đến một hai nghìn bạc vốn dành dụm từ món tiền ăn sáng của mình để góp phần nhỏ bé. Khi đất nước đối diện với cơn đại dịch Corona chết người, Việt Nam đã dang rộng vòng tay đón những Kiều bào về nước chữa trị; những nhà hảo tâm ra sức quyên góp ủng hộ chống dịch cho các bệnh nhân... Đó là những biểu hiện cao đẹp của một dân tộc bé nhỏ mà giá trị đạo đức vô cùng vĩ đại, khó cường quốc nào có thể sánh bằng.
Một khía cạnh nào đó, hành động lá lành đùm lá rách không phải chỉ có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là tự giúp đỡ mình. Thường khi gói bánh, lá lành nằm bên ngoài, lá rách nằm bên trong để gói. Gói như vậy thì chiếc bánh mới kín mới cứng. Giúp người khác, chia sẻ với người khác để người làng khác, tỉnh khác... vượt lên khó khăn, đứng vững, chính là góp phần cho đất nước đứng vững lên. Cuối cùng, cái kết quả tốt đẹp ấy, mỗi người đều được hưởng. Bởi vậy, lá lành đùm lá rách không còn là phương châm cho những hành động nhất thời, đặc biệt, mà trở nên một cách sống tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta. Hằng ngày, vẫn có người lặng lẽ quyên góp tiền bạc, quần áo, cho một trại phong, trại nuôi dưỡng người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, gia đình khó khăn, người tàn tật... Nhân những dịp lễ tết, những người trong phường lại chia sẻ với những bà con nghèo còn thiếu thốn.
Lá lành đùm lá rách, câu nói ngày xưa chỉ mang một nghĩa hẹp, nhằm kêu gọi sự đùm bọc lẫn nhau trong một nhà, một họ hay rộng lắm là một làng. Càng ngày, cùng với sự phát triển của đời sống, sự hiểu biết của con người, ý nghĩa của câu nói càng mang một nội dung nhân đạo sâu sắc và rộng rãi. Đây là một câu nói của tình thương đầy tính nhân đạo. Trong một xã hội, không có một sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tình thương. Tình thương càng ngày càng phát triển thành tình cảm chung của mọi người, thành nếp sống phổ biến của xã hội thì tội ác cũng sẽ thu hẹp lại, xã hội sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Cái thiện sẽ đẩy lùi cái ác.
Riêng bản thân em, câu tục ngữ lá lành đùm lá rách cũng gợi cho em nhiều suy nghĩ. Trong trường, trong lớp em, có không ít bạn hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều bạn đi học với chiếc áo vá, với cái bụng đói, ngoài giờ học còn phải vất vả phụ cha mẹ kiến sống hoặc tự nuôi mình. Nếu em bỏ đi một món mua sắm, tiêu xài chưa cần thiết, em cũng có thể giúp cho bạn mình đỡ chút khó khăn. Nhiều người làm được như vậy chắc chắn sẽ có ý nghĩa lớn hơn.
Lá lành đùm lá rách thật là một cách nói đầy sáng tạo và sâu sắc của người xưa. Tục ngữ không chỉ là văn chương mà còn là triết lí. Sống là phải quan tâm đến người khác, phải chia sẻ khó khăn cùng người khác. Đạo lý sống ấy thật là tốt đẹp mà ngày nay ta cần nuôi dưỡng, phát huy.
Bài tham khảo số 3
Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này, dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai, dịch họa vô cùng ác liệt. Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn, điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời: "Lá lành đùm lá
Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lí làm người, đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.
Đọc câu tục ngữ ấy lên, chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta. Đó là dùng lá cây lá chuối chẳng hạn để gói hàng. Nếu lá bị rách, người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.
Đó là nghĩa đen, nghĩa thực của câu tục ngữ. Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao ? Hình ảnh "lá lành","lá rách" ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau."Lá lành" chỉ con người lúc yên ổn, thuận lợi, cuộc sống xuôi chèo mát mái. Trái lại "lá rách" chỉ con người lúc khó khăn,sa cơ lỡ vận. Bằng lối nói tượng trưng,dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy, câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ, thông cảm, xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quấn, gieo neo.
Với nội dung vừa nói, câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp,đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội. Thật vậy, đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngoài câu tục ngữ trên, người xưa còn truyền đời các câu :
"Chị ngã em nâng".
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng".
"Bầu ơi ! thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"…
Các câu trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết, hợp tác, chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái, không nên thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ, đùm bọc, chở che người khó khăn, thất thế. Những người giàu có nên thương yêu giúp đỡ cho những người nghèo khổ nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội, cháy nhà, bệnh tật…
Những người có địa vị cao, trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện, giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc. Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy :
"Thấy ai đói rách thì thương
Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn".
Trong đời sống xã hội, hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công, khi thất bại. Có cái tính thương người như thể thương thân ấy, thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết, tương thân, tương ái. Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng, thân ái. Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu, một thái độ ích kỉ, vô lương tâm.

Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, hơn lúc nào hết, lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta.
Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta. Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao đời Bắc thuộc, Pháp thuộc và Mĩ thuộc, nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập, bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.
Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận định, đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này. Lá lành đùm lá rách nghĩa là người khỏe mạnh, bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối, khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên. Cả người được giúp đỡ cũng vậy, không nên ỷ lại, hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động, biếng lười. Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác.
Tóm lại, tình yêu thương đùm bọc nhau là một truyền thống đẹp đẽ về đạo lí làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ, trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn, dịch họa, thiên tai.
Ngày nay, truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái, tương thân, tương trợ nhau trong sinh hoạt, học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội. Tuy nhiên, hơn ai hết, thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.
Rất tiếc, câu hỏi này chưa có lời giải chi tiết. Bạn ơi, đăng nhập và giải chi tiết giúp zix.vn nhé!!!
 

Nghị luận xã hội

Quảng cáo

Back
Top