Bí quyết học, thi của Á khoa ĐH Ngoại thương và ĐH Y dược TP. HCM

quanghuy2k13

New Member
Thi đỗ Á khoa 2 khối A, B tại ĐH Ngoại thương và ĐH Y dược TP. HCM, phương pháp học tập khoa học, nắm vững kiến thức căn bản trong sách giáo khoa là những bí quyết làm nên thành công của Lưu Thị Hoa.

Lưu Thị Hoa là một gương mặt rất quen thuộc qua từng tuần thi Thi thử đại học 2011. Đạt giải môn Hóa học và Sinh học ở các tuần thi khác nhau, cuộc thi đã giúp Hoa từng bước khắc phục những thiếu sót và từng bước thi đỗ Á khoa của 2 trường ĐH danh tiếng.
Bí quyết học và thi của Hoa xuất phát từ việc hiểu rõ bản thân để đặt mục tiêu và xây dựng phương pháp học tập khoa học.
Lên kế hoạch học tập vào Chủ nhật

Mỗi tuần, Hoa đều tranh thủ lên kế hoạch học tập cho tuần tiếp theo vào ngày Chủ nhật. Kế hoạch học tập không nhất thiết phải chi tiết là học gì, lúc nào mà đơn giản là điểm lại những điểm gì cần bổ sung, tuần tiếp theo phải học những gì và sắp xếp thời gian học cho các môn để đảm bảo hoàn thành những việc đã đặt ra.
luu_thi_hoa.png
Lưu Thị Hoa - cựu học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Đắc Lắc
Giải Nhất Chung kết môn Sinh học - Thi thử đại học 2011
Á khoa ĐH Ngoại thương (28 điểm)
Câu nói yêu thích: "Sự học như con thuyền trôi ngược dòng nước, không tiến ắt sẽ lùi"


Nắm vững kiến thức sách giáo khoa

Điểm ưu tiên hàng đầu khi ôn thi đại học của Hoa là nắm vững kiến thức sách giáo khoa, khi học hết sách giáo khoa thì mới tiếp tục học sang tài liệu tham khảo. Hoa luôn coi trọng các bài đơn giản trong sách giáo khoa vì đó là nền tảng để phát triển những bài tập nâng cao.

Dưới đây là một số cách học của Hoa với các môn Toán, Vật li, Hóa học, Sinh học:

Môn Toán: 4 bước để học tốt môn Toán:
  • Liệt kê những kiến thức cần ôn tập
  • Học kĩ sách giáo khoa 3 năm THPT để nắm chắc kiến thức căn bản
  • Học theo từng chuyên đề để mở rộng kiến thức
  • Làm đề thi thử đại học để tổng hợp được kiến thức của tất cả các phần
Lưu ý: Nếu các bạn chưa nắm vững các kiến thức căn bản thì không nên tập trung vào các câu hỏi khó như phần Bất đẳng thức.

Khi làm dạng bài bất đẳng thức là nên nghĩ tới phương pháp hàm số để giải dạng toán này. Đưa bất đẳng thức cần chứng minh về dạng hàm số có điều kiện của biến rồi khảo sát hàm số trong điều kiện ràng buộc của biến, các bạn sẽ tìm ra được kết quả cuối cùng.

Môn Hóa học: Các kiến thức Hóa học thường có mối liên quan chặt chẽ vì vậy cần phải nắm chắc kiến thức của cả 3 năm.
  • Lý thuyết Hóa học chủ yếu nằm trong sách giáo khoa, các bạn có thể học thêm sách tham khảo để hiểu sâu hơn về bản chất hóa học. Với một số phương trình lạ và quá phức tạp thì không cần phải nhớ nhưng các phương trình hóa học thì nên hiểu bản chất chứ không nên học thuộc lòng.
  • Toán Hóa học cần hiểu và vận dụng các quy luật bảo toàn là tốt nhất. Vận dụng lí thuyết để xem xét quá trình phản ứng và sử dụng phương pháp bảo toàn để tìm ra đáp án.
Môn Vật lí: Trú trọng phần bài tập nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12, tuy nhiên trong đề thi những năm gần đây vẫn có một số phần vận dụng lí thuyết ở các lớp dưới. Nếu không thể nắm vững được kiến thức 3 năm học thì kiến thức lớp 12 cũng tương đối đủ để các bạn bước vào phòng thi.

Môn Sinh học: Đề thi Sinh học có khoảng 70% là các câu hỏi lí thuyết vì vậy các bạn cần phải chịu khó học lí thuyết Sinh học lớp 12 và nên tham khảo cả hai sách ban cơ bản và ban nâng cao để so sánh và hiểu cặn kẽ từng nội dung. Bài tập Sinh học trong sách giáo khoa tương đối ít, vì vậy các bạn nên sưu tầm trong sách tham khảo hoặc đề thi để luyện tập thêm nhiều dạng bài.

Với các bài tập trắc nghiệm, Hoa thường làm dưới dạng bài tự luận sau đó rút ra phương pháp giải nhanh. Điều quan trọng là các bạn cần phải hiểu bản chất của từng phương pháp giải để vận dụng linh hoạt, không nên quá máy móc, phụ thuộc vào một vài phương pháp mà làm mất khả năng tư duy, sáng tạo trong khi làm bài.

Bí quyết làm bài thi

Khi đi thi, tâm lí vô cùng quan trọng, các bạn cần luôn giữ cho mình tinh thần thoải mái. Không nên đặt mục tiêu quá cao, trước tiên cần xác định đỗ sau đó mới là điểm cao.
Các bạn nên học cách đọc và định hướng để biết câu hỏi nào khó, câu hỏi nào dễ. Với các môn thi trắc nghiệm thì các câu dễ nên làm luôn để tiết kiệm thời gian, còn các môn tự luận thì cần bình tĩnh đọc hết đề sau đó mới làm bài. Các câu khó nên bỏ qua và làm lại sau bởi nhiều khi do áp lực tâm lí các bạn không nghĩ ra được phương pháp giải, đáp án nhưng khi tạo cảm giác thoải mái thì các bạn sẽ bình tĩnh tháo gỡ từng vấn đề.
 

Chuyên mục

Quảng cáo

Back
Top